Thời sự
Cập nhật lúc 03:07 12/07/2025 (GMT+7)
Việt Nam khẳng định vai trò trong các chủ đề nhân quyền mới nổi

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã kết thúc khóa họp thường kỳ lần thứ 59 (từ ngày 16.6 - 8.7.2025), với 26 nghị quyết và quyết định được thông qua, trong đó có 2 nghị quyết do Việt Nam tham gia Nhóm nòng cốt đề xuất và soạn thảo.

Việt Nam khẳng định vai trò trong các chủ đề nhân quyền mới nổi

Đại sứ Mai Phan Dũng (thứ hai từ trái, hàng đầu) - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva trong phiên thông qua 2 nghị quyết do Việt Nam tham gia đề xuất, soạn thảo, ngày 8.7. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva

Đoàn Việt Nam, do Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva - làm Trưởng đoàn, đã tích cực tham dự khóa họp, theo TTXVN.

Trong ngày 8.7, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã chính thức thông qua bằng đồng thuận 2 nghị quyết do Việt Nam cùng các nước đề xuất và tham gia soạn thảo.

Đầu tiên là Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người, với chủ đề tài chính khí hậu, nhận được sự đồng bảo trợ của hơn 63 quốc gia (tính đến cuối ngày 8.7 giờ Geneva).

Tiếp đó, Hội đồng cũng thông qua Nghị quyết về “Tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực để củng cố khuôn khổ quốc gia về bảo vệ và trao quyền cho trẻ em trong không gian mạng”, với hơn 87 quốc gia đồng bảo trợ (tính đến cuối ngày 8.7 giờ Geneva).

Việt Nam đã tham gia tích cực trong Nhóm nòng cốt gồm ba nước Việt Nam, Bangladesh và Philippines trong quá trình xây dựng, tham vấn và giới thiệu Nghị quyết thường niên về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc kể từ năm 2008.

Việc Việt Nam tham gia chủ động và xây dựng trong nghị quyết này là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời thể hiện rõ chính sách đối ngoại chủ động, tích cực và có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu.

Đối với nghị quyết về “Tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực nhằm củng cố khuôn khổ quốc gia về bảo vệ và trao quyền cho trẻ em trong không gian mạng”, việc giới thiệu thành công nghị quyết này phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế về thách thức và nguy cơ trẻ em phải đối mặt trên không gian mạng, đồng thời khẳng định vai trò và hình ảnh của Việt Nam trong các chủ đề nhân quyền mới nổi và có tính chất xuyên biên giới.

Mặt khác, nghị quyết cũng tái khẳng định tầm quan trọng của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm mạng, dự kiến Lễ mở ký Công ước này sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 25-26.10 tới. Qua đó, Việt Nam tiếp tục thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm và chủ động đóng góp vào quá trình xây dựng chuẩn mực quốc tế tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Cùng với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đoàn Việt Nam cũng đã chủ động đóng góp vào việc xây dựng phát biểu chung của ASEAN về chuyển đổi công bằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ khóa họp, Việt Nam đã tổ chức triển lãm ảnh “Việt Nam: Bản sắc, Nhân văn và Hội nhập” ngay tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva từ ngày 30.6-8.7, phản ánh sinh động về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, cũng như bản sắc văn hóa đa dạng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ trì tổ chức sự kiện bên lề về “Chuyển đổi hệ thống lương thực để thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền lương thực”. Các đại biểu quốc tế đánh giá cao nỗ lực và mô hình chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam, coi đây là kinh nghiệm thực tiễn quý báu có thể chia sẻ và nhân rộng.

Trong suốt khóa họp 59 của Hội đồng Nhân quyền, đoàn Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, xây dựng và trách nhiệm cao trong mọi hoạt động của Hội đồng. Những nỗ lực nổi bật trong khóa họp lần này là minh chứng rõ ràng cho cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và bảo đảm quyền con người cho tất cả mọi người.

Đồng thời, đó cũng là nền tảng vững chắc để Việt Nam chuẩn bị tích cực cho việc tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028, tiếp tục đóng góp thực chất hơn nữa vào các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, thể hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.

https://laodong.vn/thoi-su/viet-nam-khang-dinh-vai-tro-trong-cac-chu-de-nhan-quyen-moi-noi-1538767.ldo

KHÁNH MINH (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: