Thời sự
Cập nhật lúc 04:41 01/05/2025 (GMT+7)
Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và nâng cao năng lực ứng phó thiên tai

Trường Đại học Thủy lợi vừa công bố Dự án SATREPS về Hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ bùn đá tại miền Trung Việt Nam.

Dự án SATREPS được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) với tên đầy đủ: “Hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ bùn đá dựa trên cộng đồng số hóa và đánh giá rủi ro tích hợp cho miền Trung Việt Nam: Khai thác công nghệ viễn thám và đánh giá các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại kinh tế ở tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại, được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản.

 

Dự báo về lượng mưa trong khu vực vùng dự án sẽ được thông báo theo thời gian thực. Ảnh: Nhà trường cung cấp

 

 

Dự báo về lượng mưa trong khu vực vùng dự án sẽ được thông báo theo thời gian thực. Ảnh: Nhà trường cung cấp

 

 

Dự án hướng tới phát triển một hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ bùn đá tại các khu vực rủi ro cao thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, với các mục tiêu chính: Xây dựng các bản đồ nguy cơ trượt lở đất tỉ lệ lớn 1:5.000 cho các khu vực trọng điểm, dân cư sinh sống tập trung, có nguy cơ cao về trượt lở đất và lũ bùn đá phục vụ công tác cảnh báo, dự báo sớm; Phát triển hệ thống cảnh báo sớm (EWS) cho một số khu vực trọng điểm dựa trên mô hình số và các thiết bị quan trắc được lắp đặt (như trạm đo mưa, radar mưa, vệ tinh…); Số hóa hệ thống cảnh báo sớm (EWS) để tăng cường kết nối và truyền tải thông tin rủi ro, cảnh báo đến người dân địa phương,...

Hệ thống cảnh báo sớm không chỉ giúp các cơ quan chức năng ra quyết định kịp thời, mà còn được số hóa nhằm tăng cường khả năng truyền tải thông tin trực tiếp đến người dân địa phương.

GS.TS Trịnh Minh Thụ: “Dự án SATREPS có giá trị đặc biệt về phòng chống thiên tai“. Ảnh: Vân Trang
GS.TS Trịnh Minh Thụ khẳng định, dự án SATREPS có giá trị đặc biệt trong việc cảnh báo sớm, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Ảnh: Vân Trang

Dự án cũng tích hợp các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế - xã hội, tình trạng sử dụng đất nông nghiệp vào bản đồ nguy cơ trượt lở đất thời gian thực, nhằm đưa ra các phân tích đa chiều và đánh giá hiệu quả kinh tế của hệ thống cảnh báo nhằm tối ưu hóa chính sách đầu tư phòng tránh thiên tai.

Đặc biệt, dự án sẽ xây dựng phòng thí nghiệm chuyên dụng phục vụ khảo sát, đo đạc, lấy mẫu và thực hiện các thí nghiệm trong phòng và ngoài thực địa liên quan đến trượt lở đất. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá rủi ro thiên tai.

Bộ tài liệu hướng dẫn lập bản đồ và đánh giá rủi ro trượt lở đất bằng công nghệ viễn thám cũng được biên soạn nhằm phục vụ các địa phương trong việc nhân rộng mô hình ra toàn vùng miền Trung và cả nước, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng gia tăng.

Thời gian thực hiện dự án từ tháng 6.2026 đến tháng 6.2030; Tổng kinh phí dự án: khoảng 3,43 triệu USD (~89,2 tỉ VNĐ)

Chia sẻ tại buổi lễ công bố, GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ lợi khẳng định, dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ với các trường đại học, viện nghiên cứu mà còn thể hiện sự uy tín của Việt Nam với quốc tế.

Dự án SATREPS là một trong những chương trình có tính cạnh tranh cao nhất hiện nay. Hằng năm, có khoảng 100 - 120 đề xuất được các quốc gia gửi tới đăng ký nhưng chỉ có 10 đề tài được phía Nhật Bản đồng ý triển khai.

Việc Trường Đại học Thủy lợi được tuyển chọn tham gia cùng một số trường khác như Đại học Xây dựng và các viện nghiên cứu trong nước là minh chứng cho năng lực và uy tín của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

"Chúng tôi cam kết triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả mang lại thương hiệu uy tín cho các cơ sở giáo dục" - GS.TS Trịnh Minh Thụ chia sẻ và khẳng định, thành công của dự án sẽ góp phần nâng cao vị thế khoa học Việt Nam, mở rộng cơ hội công bố quốc tế và thúc đẩy ứng dụng thực tiễn vào các chương trình cảnh báo sớm, giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam.

https://laodong.vn/giao-duc/xay-dung-he-thong-canh-bao-som-va-nang-cao-nang-luc-ung-pho-thien-tai-1499365.ldo

VÂN TRANG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: