Cơ quan TLĐ
Cập nhật lúc 09:09 25/03/2022 (GMT+7)
GIỚI THIỆU CƠ QUAN TỔNG LIÊN ĐOÀN

Trụ sở Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam số 82 Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

1. Chức năng

Cơ quan Tổng Liên đoàn là cơ quan chuyên trách của tổ chức Công đoàn Việt Nam ở cấp Trung ương, có chức năng hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương, kế hoạch, chương trình công tác của tổ chức Công đoàn Việt Nam; giúp Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng kết phong trào công nhân và hoạt động công đoàn; chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch trong tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

2. Nhiệm vụ

Tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Nghiên cứu, tham mưu

- Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, kế hoạch, đề án của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Luật Công đoàn.

- Nghiên cứu, tham mưu, xây dựng các chương trình, kế hoạch, quy định… của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; các Luật, Nghị quyết của Quốc hội; các nghị quyết, quyết định, chương trình, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc tham gia với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn.

- Nghiên cứu, tham mưu công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tham gia thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, giám sát và phản biện xã hội theo quy định.

- Tham mưu, đề xuất công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn.

b) Hướng dẫn; kiểm tra, giám sát

- Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Công đoàn, Luật Công đoàn và các văn bản quy phạm pháp luật theo phân công; phân cấp; hướng dẫn nghiệp vụ công tác công đoàn trong toàn hệ thống.

- Xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát theo Điều lệ, Luật Công đoàn và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan tại các cấp công đoàn, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp công đoàn theo thẩm quyền.

c) Theo dõi, tổng hợp

Theo dõi, tổng hợp tình hình, đôn đốc hoạt động của công đoàn các cấp; đề xuất các biện pháp giúp Đoàn Chủ tịch và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn chỉ đạo, điều hành hệ thống theo chương trình, kế hoạch. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động.

d) Thẩm định, thẩm tra

- Thẩm định các đề án, văn bản liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn của công đoàn cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các đơn vị khác có liên quan trước khi trình Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch.

- Tham gia ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị quyết, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật khi được các cơ quan có thẩm quyền gửi xin ý kiến.

đ) Sơ kết, tổng kết

- Tiến hành sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị về công tác công đoàn, phong trào công nhân và các cuộc vận động, các phong trào thi đua theo phân công, phân cấp.

- Chủ trì hoặc phối hợp sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn.

e) Công tác nội vụ

- Quản lý, điều hành, đảm bảo điều kiện hoạt động của cơ quan, xây dựng cơ quan vững mạnh.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực và kỹ năng công tác.

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn giao.

II. NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC 

1. Tổ chức bộ máy của Cơ quan Tổng Liên đoàn thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Công đoàn; bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, không chồng chéo, trùng lắp; không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị.

2. Bảo đảm việc tham mưu, phục vụ Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn khoa học, kịp thời, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động.

3. Cơ quan Tổng Liên đoàn có các ban, Văn phòng, Văn phòng Ủy ban Kiểm tra (sau đây gọi chung là các ban) tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

4. Chỉ có Văn phòng Tổng Liên đoàn có đầu mối cấp phòng. Việc thành lập các đầu mối cấp phòng thuộc Văn phòng Tổng Liên đoàn thực hiện theo nguyên tắc: Có ít nhất 05 người mới thành lập một phòng; phòng có dưới 10 người được bố trí trưởng phòng và 01 phó trưởng phòng; có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 02 phó trưởng phòng.

5. Tổng Liên đoàn có thể thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các ban để thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn (nếu thấy cần thiết); việc thành lập Văn phòng Đảng đoàn, Văn phòng Đảng - Đoàn thể, thực hiện theo các quy định của Đảng.

6. Biên chế của các ban do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, cơ cấu cán bộ, công chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm đã được phê duyệt; bảo đảm tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu quả hoạt động.

7. Tổng số cấp phó của các ban tham mưu giúp việc do Đoàn Chủ tịch quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công việc.

Trường hợp do sắp xếp lại tổ chức, cán bộ, số lượng cấp phó trong một ban có thể cao hơn quy định này, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung và phải có giải pháp điều chỉnh, sắp xếp lại số cấp phó vượt quy định để bảo đảm trong thời hạn 3 năm kể từ ngày sắp xếp lại tổ chức, cán bộ, số lượng cấp phó trong các ban của Tổng Liên đoàn phải thực hiện theo đúng quy định.

III. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN TỔNG LIÊN ĐOÀN

1. Cơ quan Tổng Liên đoàn gồm các ban tham mưu giúp việc, Văn phòng Đảng đoàn Tổng Liên đoàn và Văn phòng Đảng - Đoàn thể các cơ quan đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn (gọi tắt là Văn phòng Đảng - Đoàn thể Tổng Liên đoàn).

2. Ban tham mưu giúp việc Tổng Liên đoàn có 09 ban gồm:

- Văn phòng Tổng Liên đoàn.

- Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn.

- Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn.

- Ban Tài chính Tổng Liên đoàn.

- Ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn

- Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn.

- Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn.

- Ban Nữ công Tổng Liên đoàn.

- Văn phòng Uỷ ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn.

3. Văn phòng Tổng Liên đoàn được thành lập 05 đầu mối cấp phòng gồm: Phòng Tổng hợp; Phòng Thi đua - Khen thưởng; Phòng Hành chính - Quản trị; Văn thư lưu trữ và Phòng Công nghệ thông tin; Phòng Tài vụ.

4. Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn quản lý Trung tâm Hội nghị và Đào tạo cán bộ công đoàn. Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn quản lý Bảo tàng Công nhân và Công đoàn Việt Nam. Tổ chức, bộ máy của Trung tâm Hội nghị và Đào tạo cán bộ công đoàn và Bảo tàng Công nhân và Công đoàn Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công. Biên chế cán bộ của Trung tâm Hội nghị và Đào tạo cán bộ công đoàn và Bảo tàng Công nhân và Công đoàn Việt Nam không tính trong biên chế cơ quan tổng liên đoàn.

IV. BIÊN CHẾ CƠ QUAN TỔNG LIÊN ĐOÀN 

1. Biên chế của Cơ quan Tổng Liên đoàn do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

2. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn phân bổ biên chế cho các ban tham mưu, giúp việc theo nguyên tắc được quy định tại Khoản 6, Điều 3, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng ban và nhiệm vụ chung của Cơ quan Tổng Liên đoàn.

3. Thủ trưởng Cơ quan Tổng Liên đoàn có thể ký hợp đồng lao động để thực hiện một số công việc theo quy định. Người làm việc theo hợp đồng lao động không thuộc chỉ tiêu biên chế của Cơ quan Tổng Liên đoàn.

In
Về đầu
Lượt truy cập: