Trang chủGiới thiệuLịch sử CĐVN
Lịch sử CĐVN
Cập nhật lúc 02:27 22/04/2016 (GMT+7)
Tóm tắt quá trình hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam (phần 6)

VI. Phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam trong công cuộc đổi mới .

1. Thời kỳ 1986 -1995

Đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế  nhằm phát huy những năng lực và giải phóng tiềm năng sẵn có do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề xướng đã làm chuyển biến nhận thức và hành động trong toàn xã hội nói chung và trong hoạt động công đoàn nói riêng.

Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 17 đến ngày 20/10/1988 tại Hà Nội. Dự đại hội có 834 đại biểu của 58 đoàn cùng với 225 đại biểu khách mời, 59 đại biểu của 32 đoàn khác quốc tế. Đại hội đã xác định “Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội” là mục tiêu hoạt động của công đoàn các cấp.

Đại hội quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đổi tên Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố, đặc khu, huyện, thị xã là Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, đặc khu, huyện, thị xã. Bỏ chức danh Tổng thư ký, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là người đứng đầu Ban Chấp hành và Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; thay chức danh Thư ký công đoàn các cấp bằng chức danh Chủ tịch công đoàn. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Tư - ủy viên dự khuyết Ban chấp hành TW Đảng làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại hội VI Công đoàn Việt Nam được ghi nhận là Đại hội đổi mới của phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Ngày 30/6/1990, kỳ họp thứ VII Quốc hội khóa VIII đã thông qua Luật Công đoàn, Luật này thay thế Luật Công đoàn đã công bố ngày 5/11/1957. Luật Công đoàn năm 1990 là cơ sở pháp lý để phát huy vai trò của công đoàn trong thời kì mới, bảo đảm quyền dân chủ và lợi ích của người lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn đã được xác định rõ hơn trong hệ thống chính trị của nước Việt Nam.

Tháng 6/1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng tiếp tục khẳng định và phát triển đường lối đổi mới, xác định mục tiêu tổng quát cho 5 năm 1991-1995 là: vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội đưa Việt Nam cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Trong tình hình mới, Công đoàn đã chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát cơ sở, lấy người lao động làm đối tượng vận động, tập hợp, lấy chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp, chính đáng của người lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm mục tiêu hoạt động.

Năm 1992, Chính phủ ra Nghị định về quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, cơ quan. Điều 10 của Hiến pháp 1992 quy định về vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với TLĐLĐ Việt Nam. Đó là những  cơ sở pháp lý cần thiết bảo đảm cho công đoàn hoạt động tốt.

Từ ngày 9 đến 12/11/1993, Đại hội lần thứ VII Công đoàn Việt Nam đã họp tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có hơn 600 đại biểu thay mặt cho công nhân, viên chức và lao động khắp mọi miền đất nước. Đại hội đánh giá cao sự cống hiến của toàn thể CNLĐ, trí thức, văn nghệ sĩ trong tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phục vụ, an ninh và quốc phòng, các cơ quan quản lý nghiên cứu khoa học các trường học, bệnh viện, các đơn vị hành chính sự nghiệp. Nghị quyết Đại hội VII Công đoàn Việt Nam khẳng định: “Trong bước ngoặt đầy thử thách, giai cấp công nhân nước ta đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, vượt qua mọi khó khăn trong bước đầu chuyển sang cơ chế thị trường, hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh của đất nước, giữ vững ổn định về chính trị”. Đại hội xác định mục tiêu hoạt động công đoàn trong những năm tới là “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân lao động”

Đồng chí Nguyễn Văn Tư - ủy viên TW Đảng, được bầu lại làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 5, tháng 6/1994 đã thông qua Bộ luật Lao động. Trong đó quy định vai trò của tổ chức Công đoàn đối với người lao động trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước. Bộ luật Lao động đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 về lao động và quản lý lao động. Bộ luật Lao động xác định nhiệm vụ của Công đoàn: “Tham gia cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế – xã hội, chăm lo và bảo vệ quyền lợi của người lao động, tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật lao động (Chương1, Điều 12). Luật Lao động quy định cụ thể về trách nhiệm của công đoàn tham gia xây dựng Thỏa ước lao động tập thể (Chương V), chế độ tiền lương (chương VI), và công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Bộ luật Lao động giành toàn bộ chương XIII – Công đoàn để xác định rõ các việc doanh nghiệp đang hoạt động sau 6 tháng phải thành lập tổ công đoàn (Điều 153), mối quan hệ giữa người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức công đoàn (Điều 154, 155,156).

2. Thời kỳ 1996 - 2005

Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) và phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo xu hướng thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm cho giai cấp công nhân Việt Nam có nhiều biến đổi về cơ cấu số lượng và chất lượng. Xây dựng giai cấp công nhân trở thành lực lượng đi đầu trong quá trình CNH-HĐH là một nhiệm vụ cấp bách, một hướng trọng tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Đó cũng là một nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho công đoàn Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Công đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ. Vị thế của tổ chức công đoàn trong xã hội từng bước được nâng lên. Quan hệ quốc tế của Công đoàn Việt Nam từng bước được mở rộng.

Từ ngày 3 đến ngày 6/11/1998, Đại hội lần thứ VIII Công đoàn Việt Nam đã họp tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 898 đại biểu, đại diện cho hàng triệu đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức lao động cả nước, 31 đoàn đại biểu quốc tế, đại diện Tổ chức Liên hiệp công đoàn Thế giới, đại biểu công đoàn các nước trong khu vực và các đoàn Ngoại giao. Đại hội khẳng định: Đội ngũ công nhân, viên chức, lao động nước ta đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng và quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nỗ lực vươn lên trong lao động và công tác... giữ vai trò quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, xứng đáng là giai cấp lãnh đạo cách mạng, lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”. Đại hội xác định mục tiêu và khẩu hiệu hành động của Công đoàn là “Vì sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh”. Đại hội đã bầu đồng chí Cù Thị Hậu - ủy viên TW Đảng làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

 Đến 6/2003 cả nước có trên 10,8 triệu CNVCLĐ, trong đó CNVCLĐ làm việc trong cơ quan Nhà nước, Đảng đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, gần 2,6 triệu, trong các doanh nghiệp Nhà nước khoảng 1,8 triệu, trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 0,6 triệu, còn khoảng 4,3 triệu CNLĐ làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Chất lượng đội ngũ công nhân nước ta trong những năm đổi mới đã được nâng lên một bước, CNLĐ trẻ từ 18 đến 30 tuổi chiếm tỷ lệ 36,4%, tỷ lệ công nhân có trình độ văn hóa phổ thông trung học đã được nâng lên đáng kể, nếu năm 1985 chỉ có 43,42% công nhân tốt nghiệp phổ thông trung học thì năm 2003 đã tăng lên 76,6%. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của CNLĐ cũng không ngừng được cải thiện, hiện nay có gần 3 triệu người được đào tạo nghề và khoảng 1,7 triệu người có trình độ cao đẳng trở lên. Đội ngũ CNLĐ đang là lực lượng sản xuất cơ bản nắm giữ những cơ sở vật chất, phương tiện sản xuất quan trọng nhất, quyết định phương hướng phát triển của nền kinh tế quốc dân, hàng năm đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm xã hội, đảm bảo đóng góp trên 60% ngân sách nhà nước.

 Tuy nhiên, trước yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam còn bộc lộ những bất cập như: trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp thấp so với yêu cầu; số tinh thông, giỏi nghề rất thấp, công nhân có tay nghề bậc 2, bậc 3 chiếm tỷ lệ lớn, công nhân có tay nghề bậc 6, bậc 7 chỉ chiếm 8,5%, số lao động phổ thông chiếm 34%, và đang xảy ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu lao động kỹ thuật giữa các bộ phận công nhân; lòng say mê nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của một bộ phận công nhân còn yếu.

Trong thời kỳ đổi mới hoạt động công đoàn luôn chú trọng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động. Hướng hoạt động công đoàn về cơ sở, lấy CNLĐ làm đối tượng vận động, lấy chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích, hợp pháp chính đáng của CNLĐ và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh làm mục tiêu hoạt động. Các cấp công đoàn đã chú trọng tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, chống tham nhũng, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa. Hiệu quả hoạt động của công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, trong tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội và tuyên truyền, giáo dục nâng cao giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, ngày càng được nâng cao, đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế, giữ vững và ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Từ tháng 10 đến 13/10/2003, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ IX được tổ chức tại Hà Nội. Đồng chí Cù Thị Hậu – ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng được bầu lại làm Chủ tịch TLĐLĐViệt Nam.

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn Việt Nam là: Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo với mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; nâng cao chất lượng phong trào thi đua phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn; phong trào xanh – sạch – đẹp, đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường, phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, góp phần làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Công tác phát triển đoàn viên, thành lập các công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh được chú trọng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2008 kết nạp thêm ít nhất 1 triệu đoàn viên. Vận động CNVCLĐ tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tích cực đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực.

Tăng cường và mở rộng hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa; tăng cường đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với Công đoàn các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan; góp phần vào cuộc đấu tranh chung nhằm xây dựng một thế giới “vì hòa bình, phát triển, tiến bộ, dân chủ và công bằng xã hội” vì quyền, lợi ích của người lao động.

Tính đến tháng 6/2005, Công đoàn Việt Nam gồm 64 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 19 Công đoàn ngành Trung ương và Công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ trong đó 1.897 công đoàn quận, huyện, ngành địa phương và tương đương, 76.678 công đoàn cơ sở với 5,25 triệu đoàn viên. 

In
Về đầu
Lượt truy cập: