Trang chủCông nhân 360Đời sống Công nhân
Đời sống Công nhân
Cập nhật lúc 02:11 16/07/2025 (GMT+7)
Gánh nặng mưu sinh nhẹ hơn nhờ tăng lương tối thiểu vùng

Việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng, mang đến hy vọng cho công nhân xa quê đang mưu sinh ở các thành phố lớn.

Yêu cầu thiết yếu

Đối với công nhân xa quê, cuộc sống hàng ngày là một vòng xoáy của những khoản chi phí, gồm tiền thuê phòng trọ, điện, nước, sinh hoạt, tiền gửi về gia đình… Để cân đối được mức sống tối thiểu, bên cạnh lương cơ bản, nhiều công nhân phải trông chờ vào việc tăng ca.

Tiền thuê nhà trọ là một trong những khoản chi phí mà công nhân xa quê phải chi trả hàng tháng. Ảnh: Mỹ Ly
Tiền thuê nhà trọ là một trong những khoản chi phí mà công nhân xa quê phải chi trả hàng tháng. Ảnh: Mỹ Ly

Rời quê Cần Thơ lên Bình Dương (nay là TP Hồ Chí Minh) làm công nhân, chị Nguyễn Thị Tâm (29 tuổi), cho biết, với mức lương cơ bản khoảng 5 triệu đồng/tháng, cộng thêm các phần phụ cấp, tổng thu nhập trung bình mỗi tháng của chị dao động từ 6 – 7 triệu đồng/tháng. Còn nếu tăng ca, mức thu nhập này có thể lên đến 8 triệu đồng hoặc hơn.

Dù sống một mình, nhưng số tiền nữ công nhân phải chi ra hàng tháng đã chiếm hơn ½ thu nhập.

“Nếu không tăng ca, tiền thuê phòng trọ, sinh hoạt và gửi về quê hầu như đã tiêu tốn hơn một nửa thu nhập của tôi. Vì vậy, lương cơ bản thực sự rất quan trọng và tăng lương luôn là điều chúng tôi mong mỏi”, chị Tâm bày tỏ.

Cùng chung nỗi niềm, chị Nguyễn Thị Thảo Ngân – công nhân KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ), chia sẻ, hiện công việc ổn định nhưng ít tăng ca, thu nhập mỗi tháng của nữ công nhân chỉ dao động ở mức từ 7 triệu đồng/tháng đổ lại. Trong khi đó, ngoài chi phí thuê nhà trọ, sinh hoạt tại thành phố, nữ công nhân còn phải gửi tiền về quê (Sóc Trăng cũ) để nuôi con nhỏ.

“Với công nhân chúng tôi, lương cơ bản ổn định rất quan trọng vì không phải lúc nào cũng có việc tăng ca. Tăng lương tối thiểu vùng giúp chúng tôi có thêm chút ít để trang trải, nhất là khi giá cả cứ leo thang không ngừng”, chị Ngân tâm sự.

Anh Nguyễn Quốc Vẹn (quê Cà Mau), làm công nhân may ở KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ), cũng cho rằng, việc tăng lương rất cần thiết và là mong muốn chính đáng của người lao động. Nam công nhân lý giải, nếu không tăng ca hoặc có việc đột xuất, nghỉ đau ốm, lương cơ bản thực sự khó đáp ứng đủ chi tiêu hàng tháng của gia đình, nhất là khi anh còn phải lo cho 2 con đang tuổi đến trường.

Lợi ích kép

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và bỏ phiếu chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2026 là 7,2%, thời gian áp dụng từ 1.1.2026. Đây được xem là một tín hiệu tốt và được nhiều lao động đón nhận tích cực.

Trước thông tin này, chị Tâm bày tỏ sự lạc quan, kỳ vọng việc tăng lương sẽ sớm được hiện thực hóa trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng lên từng ngày. Theo nữ công nhân, mức tăng không hẳn quá nhiều, song số tiền đó cũng đỡ đần được phần nào chi phí sinh hoạt cho người lao động nói chung và công nhân xa quê như chị nói riêng.

Tăng lương giúp công nhân có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Ảnh: Mỹ Ly
Tăng lương giúp công nhân có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Ảnh: Mỹ Ly

Chị Thảo Ngân tin rằng việc tăng lương sẽ tác động tích cực đến tinh thần làm việc của người lao động: “Không phải bận tâm quá nhiều về chuyện tiền nong, chúng tôi sẽ có thể tập trung tốt hơn vào công việc và nâng cao năng suất. Như vậy, tăng lương sẽ mang lại lợi ích cho cả công nhân và doanh nghiệp”.

Sau niềm vui các con được miễn học phí, anh Vẹn càng phấn khởi trước những thông tin mới về việc tăng lương tối thiểu vùng. Nam công nhân chia sẻ, đây đều là những mong mỏi của người lao động. Việc tăng lương không chỉ là sự cải thiện về mặt thu nhập mà còn là sự công nhận cho những đóng góp, giúp người lao động yên tâm làm việc, nâng cao hiệu quả và ổn định cuộc sống.

https://laodong.vn/cong-doan/ganh-nang-muu-sinh-nhe-hon-nho-tang-luong-toi-thieu-vung-1541047.ldo

MỸ LY (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: