Nhiều người cao tuổi vẫn gia nhập thị trường lao động sau khi nghỉ hưu. Ảnh: Quỳnh Chi
Lao động cao tuổi trong một số ngành nghề là nguồn nhân lực quý
Anh Đoàn Mạnh Trung – Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Trung Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, hiện công ty anh có 7% nhân sự tuổi từ 65 trở lên, đang làm việc ở nhiều vị trí quan trọng.
“Về đội ngũ chuyên gia tư vấn cho Ban Giám đốc, chúng tôi có 2 nhân sự. Nhân sự phụ trách tư vấn thương mại quốc tế năm nay đã 71 tuổi, có 8 năm gắn bó với công ty. Nhân sự phụ trách tư vấn tài chính năm nay 67 tuổi, có 4 năm gắn bó với công ty. Ngoài ra, chúng tôi còn thuê một nhân sự vốn là kế toán trưởng của cơ quan Nhà nước làm việc trong bộ phận kế toán để tư vấn thật chuẩn chỉnh về thuế, sổ sách giấy tờ. Riêng lĩnh vực nhân sự, chúng tôi thuê 1 nhân sự cấp cao, từng là phó cục trưởng của một Bộ, làm tư vấn”, anh Trung tiết lộ.
Theo anh Trung, trong tổng số khoảng 156 nhân sự của công ty anh hiện nay, có 10 người là lao động trên 65 tuổi. Nhóm nhân sự này có mức lương cao, người thấp nhất là 20 triệu đồng/tháng, người cao nhất là 35 triệu đồng/tháng.
“Có người từng góp ý, cho rằng tôi lãng phí khi thuê nhân sự lớn tuổi với mức lương cao. Với tôi, lao động lớn tuổi trong một số ngành nghề như viên ngọc quý. Kinh nghiệm của họ là thứ không tiền nào mua được. Công ty tôi làm lĩnh vực xuất khẩu, có nhiều đối tác nước ngoài, nên sự chặt chẽ trong các khâu làm việc và những kinh nghiệm đàm phán thương mại là điều tối cần thiết”, anh Trung cho hay.
Bà Nguyễn Thị Chi An (huyện Thanh Trì, Hà Nội) nghỉ hưu năm 2019. Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm giáo viên mầm non, trong đó có 14 năm làm quản lý, bà An nhanh chóng được một cơ sở mầm non ký hợp đồng làm hiệu trưởng.
“Ban đầu chồng con không thống nhất để tôi đi làm vì lương hưu của tôi cộng với lương hưu của chồng tôi cũng đủ để hai vợ chồng sống thoải mái. Thế nhưng, nghỉ hưu được vài tháng, tôi chỉ ở nhà chỉ quanh quẩn lo mấy bữa ăn trong ngày cho hai vợ chồng. Thỉnh thoảng các con đưa cháu nội, ngoại về chơi thì tôi bận hơn chút. Khi đi làm sức khỏe tôi khá tốt, nhưng khi nghỉ hưu nhàn quá lại hay đau khớp, đau đầu. Tôi có 3 tháng thử việc, thấy rất phù hợp nên quyết định đi làm”, bà An chia sẻ.
Chủ động làm việc sau nghỉ hưu
Theo ông Lê Quang Trung – nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, thực tế cho thấy người nghỉ hưu thường là những lao động trên dưới 60 tuổi, hầu hết trong số họ vẫn khao khát và mong muốn tiếp tục làm việc vì còn minh mẫn, còn sức khỏe.
Theo ông Lê Quang Trung, thực tế có nhiều doanh nghiệp tuyển người nghỉ hưu, người cao tuổi vào các vị trí quản lý, điều hành, tư vấn, sản xuất trực tiếp... Ảnh: Quỳnh Chi
“Đa số người nghỉ hưu, đặc biệt là người công tác trong cơ quan Nhà nước, có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, nhiều người đã được đào tạo kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề... nên họ vẫn mong muốn được làm việc để khẳng định vị trí và đóng góp cho gia đình và xã hội”, ông Lê Quang Trung khẳng định.
Cũng theo ông Trung, pháp luật hiện hành của Bộ luật Lao động và Luật Việc làm (Điều 3) quy định về độ tuổi của người lao động là từ đủ 15 tuổi trở lên, không quy định cận trên của độ tuổi, cùng với các quy định khác đã tạo điều kiện để người nghỉ hưu tiếp tục làm việc.
“Thực tế nhiều doanh nghiệp tuyển người nghỉ hưu, người cao tuổi từ các vị trí quản lý, điều hành, tư vấn, sản xuất trực tiếp... vào làm việc, nhiều người đem kiến thức, kinh nghiệm của mình để cùng chia sẻ, đóng góp. Đồng thời, họ cũng được chia sẻ, tiếp nhận các thông tin, học tập kiến thức mới trong quá trình làm việc, liên tục hoàn thiện bản thân, đáp ứng nhu cầu của công việc. Đây là nguồn nhân lực quý cung cấp cho thị trường lao động”, ông Lê Quang Trung nói.
https://laodong.vn/cong-doan/khong-thieu-viec-lam-cho-nguoi-cao-tuoi-1508768.ldo