Thị trường việc làm đang có sự cạnh tranh gay gắt, nhiều lao động mất việc vì không có bằng cấp. Ảnh: Quỳnh Chi
Bị sa thải đầu tiên
Học hết lớp 12, anh Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 2001, quê huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) lên Hà Nội, theo giới thiệu của người họ hàng, vào làm việc tại một công ty kinh doanh thủ công mỹ nghệ.
Công ty nơi anh Hoàng làm việc đóng tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), chuyên kinh doanh các mặt hàng quà tặng sơn mài, gốm mỹ nghệ, túi và các sản phẩm làm từ cói…
Thời gian đầu, do sự hỗ trợ tích cực từ người họ hàng, anh Hoàng luôn đạt đủ doanh số. Nhờ đó, lương cứng cộng với phần lương mềm từ doanh số bán hàng luôn giúp anh có thu nhập từ 15-17 triệu đồng/tháng.
Từ đầu năm 2024, tình hình kinh doanh chung của công ty trở nên khó khăn, anh Hoàng càng chật vật hơn khi người họ hàng lấy lại những mối quen vì doanh số của người này cũng sụt giảm. Vật vã mấy tháng trời không tìm được khách hàng mới, anh Hoàng chỉ còn thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.
“Số tiền này tôi không đủ chi tiêu, sinh hoạt ở thành phố, tôi đã tiêu lẹm vào số tiền tích góp suốt thời gian trước đó”, anh Hoàng nói.
Quý IV/2024, công ty tiến hành đợt cắt giảm nhân sự, anh Hoàng trong nhóm danh sách cắt giảm đầu tiên. “Trong số các lý do được công ty đưa ra, lý do “không có bằng cấp, chứng chỉ” được nêu lên đầu tiên”, anh Hoàng nhớ lại.
Mất việc, không thể về quê, anh Hoàng xin làm tài xế xe ôm công nghệ. Nhận thức nếu không có bằng cấp, cơ hội việc làm và thu nhập sẽ ngày càng khó khăn, anh Hoàng xin học ngành cơ điện lạnh tại một trường cao đẳng nghề ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. “Tôi sắp qua học kỳ đầu tiên. Đi học mới thấy quyết định của mình vô cùng đúng đắn. Lớp tôi có hàng chục sinh viên giống như tôi, vừa học vừa làm. Thậm chí, có hàng chục người đã bị mất việc, sa thải thời gian gần đây vì lý do không có bằng cấp, chứng chỉ cũng đã quyết tâm đi học trước khi tìm cơ hội việc làm mới”, anh Hoàng chia sẻ.
Càng có bằng cấp, cơ hội việc làm càng cao
Tại phiên giao dịch việc làm mới được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 17.5 vừa qua, với sự tham gia của 31 đơn vị, doanh nghiệp, tổng nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng lao động là 1.983 chỉ tiêu.
Các doanh nghiệp, đơn vị tuyển nhiều vị trí, ngành nghề như công nhân sản xuất, nhân viên tư vấn, bán hàng - thu ngân… với mức lương hấp dẫn. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có bằng cấp (từ trung cấp đến cao đẳng, đại học) chiếm tới 53,82%.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tại phiên, lao động phổ thông có 768 chỉ tiêu tuyển dụng nhưng mức lương đều ở mức dưới 10 triệu đồng/tháng. Có 830 chỉ tiêu cho thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, chiếm 49.,91% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đáng chú ý, đây là mức thu nhập chủ yếu dành cho các chỉ tiêu du học, xuất khẩu lao động hoặc vị trí quản lý ở các công ty, doanh nghiệp; một số vị trí tuyển dụng tay nghề như kỹ sư, trình độ đại học.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, tỉ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 ước đạt 69%, tương đương gần 38 triệu người. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 là tỉ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% - 40%. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động, đặc biệt trong việc xây dựng các chương trình, chính sách đào tạo trong thời gian tới.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho rằng, vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động để tham gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động có ý nghĩa quyết định. Mục tiêu tại Quyết định 176/QĐ- TTg ngày 5.2.2021 thì tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35- 40% vào năm 2030. Theo ông Lê Quang Trung, đây là mục tiêu rất quan trọng, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự phát triển trong thời kỳ mới, đòi hỏi các ngành các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức và đặc biệt là người lao động phải chuyển đổi nhận thức; tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo và có chương trình kế hoạch cụ thể để đào tạo nâng cao trình độ người lao động và đáp ứng được nhu cầu thực sự của thị trường lao động.