Luật Công đoàn (sửa đổi) cần đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy một số quy định trong Dự thảo Luật Công đoàn còn chưa rõ và cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là cần đảm bảo cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình.
Ngày 17.5, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo đề xuất chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền cho lao động nữ trong dự thảo Luật Công đoàn dưới sự chủ trì của bà Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 60 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương.
Dự kiến Luật Công đoàn sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-6.2024); trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-11.2024) và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2025. Dự thảo Luật Công đoàn gồm có 6 Chương và 36 Điều.
Trong quá trình tham gia xây dựng Dự thảo Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì tổ chức một số hội thảo và tham gia nhiều hội thảo, nhiều ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu.
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia và nghiên cứu Dự thảo Luật Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhận thấy một số quy định trong Dự thảo Luật còn chưa rõ và cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện bình đẳng giới và đảm bảo cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình.
Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử về giới trong mọi lĩnh vực; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế với cam kết thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc và quyền bình đẳng của người lao động tại nơi làm việc.
Tạo điều kiện về tài chính để Công đoàn có thể thực hiện được các quyền lợi cho lao động nữ
Một trong những nội dung do bà Trần Thu Phương - Phó Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - trình bày là đề nghị bổ sung quy định về kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ về dân số, gia đình, trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và thuận lợi cho công đoàn các cấp được triển khai hoạt động.
PGS.TS Trần Thị Thúy Lâm (Đại học Luật Hà Nội) phân tích, Luật Công đoàn 2012 chưa quy định cụ thể về trích kinh phí cho các cấp công đoàn theo tỉ lệ phù hợp, theo hướng công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, công đoàn cơ sở phục vụ đoàn viên công đoàn, người lao động nên đôi khi dẫn đến sự hiểu nhầm là nguồn kinh phí này chỉ nhằm để phục vụ cho Công đoàn cấp trên cơ sở trở lên, hoặc để “trả lương”, “nuôi” bộ máy tổ chức Công đoàn.
Từ đó, PGS.TS Trần Thị Thúy Lâm đề nghị duy trì quy định về nguồn thu 2% kinh phí công đoàn và dành một mục quy định về chi cho các hoạt động về giới, bình đẳng giới trong Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Công đoàn 2012.
Bổ sung quy định về phân phối kinh phí công đoàn, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn như đã nêu trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Bên cạnh đó, đề xuất chính sách về việc miễn, giảm kinh phí công đoàn tạo cơ sở pháp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn.
Quy định này tạo điều kiện về tài chính để Công đoàn có thể thực hiện được các quyền lợi cho lao động nữ, đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn.
Bảo đảm bình đẳng giới
Vấn đề bình đẳng giới cũng có khá nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó, theo tham luận gửi về hội thảo, Liên đoàn Lao động Thành phố Hải Phòng cho biết, xét từ góc độ bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng Luật Công đoàn còn có những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ.
Một trong số đó là tại Điều 14 “Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”, Khoản 1 quy định “Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ, chính sách, pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Từ đó, đề nghị bổ sung thêm nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; các chính sách pháp luật áp dụng đối với lao động nữ.
Bà Ngô Thị Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội - đề nghị cần quan tâm về số lượng và chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, khi tuyên truyền thực hiện Luật Công đoàn cần chú trọng giám sát thực hiện Chương 10 trong Bộ luật Lao động về đảm bảo bình đẳng giới, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc…
Bà Liên cũng cho rằng, cần quan tâm hơn nữa đến các hoạt động cho nữ đoàn viên, quan tâm, đầu tư cho các hoạt động về giới; quan tâm đến con em lao động, nhất là nơi có đông lao động nữ...
https://laodong.vn/cong-doan/luat-cong-doan-sua-doi-can-dam-bao-quyen-loi-cho-lao-dong-nu-1341057.ldo
KIỀU VŨ (báo lao động)