Bộ Nông nghiệp và Môi trường định hướng kiện toàn cơ quan chuyên môn sau sáp nhập
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có định hướng kiện toàn cơ quan chuyên môn sau sáp nhập.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có định hướng kiện toàn cơ quan chuyên môn sau sáp nhập. Ảnh: Cao Nguyên
Bộ Nông nghiệp và Môi trường có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về định hướng sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn nông nghiệp và môi trường thuộc UBND các cấp phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Khối lượng công việc của Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tăng lên rất nhiều
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Môi trường; của Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị, theo Bộ này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Môi trường thuộc UBND cấp tỉnh kế thừa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các quy định của pháp luật chuyên ngành về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp và môi trường thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Về tổ chức bộ máy của Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong thời gian qua, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có sự phân cấp rất mạnh cho chính quyền địa phương các cấp; hiện nay, Bộ đang tiếp tục rà soát để phân cấp tối đa, triệt để hơn nữa. Bên cạnh đó, khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì một số nhiệm vụ quản lý về nông nghiệp và môi trường thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện sẽ chuyển lên UBND cấp tỉnh hoặc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Phạm vi quản lý theo địa bàn các của tỉnh, thành phố sau sáp nhập sẽ rất rộng. Cùng với đó, theo đề án tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra các cấp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì trong cơ cấu tổ chức của các sở không còn cơ quan thanh tra sở, nhưng sở sẽ tiếp tục thực hiện chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của sở.
Những thay đổi nêu trên dẫn đến khối lượng công việc của Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tăng lên rất nhiều, trong đó có rất nhiều việc phải thường xuyên kiểm tra, xử lý, giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở; do vậy, tổ chức bộ máy của Sở cũng cần phải được củng cố, kiện toàn cho phù hợp với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong tình hình mới.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quan tâm chú trọng một số nội dung sau:
Đối với một số lĩnh vực chuyên ngành có phạm vi quản lý rộng, đối tượng quản lý phức tạp, nhạy cảm, thường xuyên phát sinh các vấn đề cần phải xử lý ngay tại cơ sở, như: trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi và thú y; thủy sản và kiểm ngư; lâm nghiệp và kiểm lâm; quản lý đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai; bảo vệ môi trường…, căn cứ đặc thù của từng địa phương, cần tiếp tục duy trì và củng cố mô hình Chi cục trực thuộc Sở; đồng thời bố trí các trạm, hạ trực thuộc chi cục để thực hiện các nhiệm vụ quản lý và thực thi pháp luật theo khu vực liên xã, phường để bảo đảm kịp thời giải quyết các công việc, những vấn đề phát sinh trên địa bàn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh (giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu thực hiện); đồng thời, bảo đảm mô hình tổ chức của Sở và các đơn vị trực thuộc Sở đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, không nhất thiết tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều phải tổ chức mô hình chi cục, trạm, hạt ở tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành nêu trên, mà căn cứ theo đặc điểm, tính chất, phạm vi, quy mô phát triển và yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực để quyết định số lượng các chi cục, trạm, hạt cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Chuyển văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện về xã
Kiện toàn tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai gắn với việc củng cố hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai một cấp; sắp xếp các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn cấp huyện hiện nay thành các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đặt tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc khu vực liên xã, phường, bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý đất đai; xây dựng, hoàn thiện, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
Đối với Tổ chức phát triển quỹ đất, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc kiện toàn theo định hướng của Ban Chỉ đạo tại Công văn số 03/CV-BCĐ để thực hiện nhiệm vụ tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất tại địa phương, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
https://laodong.vn/xa-hoi/bo-nong-nghiep-va-moi-truong-dinh-huong-kien-toan-co-quan-chuyen-mon-sau-sap-nhap-1509385.ldo
Nguyễn Hà (BÁO LAO ĐỘNG)