Bổ sung quy định xử lý phương tiện hết thời gian tạm giữ mà không có người nhận
Luật bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận. Ảnh: Ngọc Thùy
Sáng nay (3.7), Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật, Pháp lệnh vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC).
Thông tin về một số điểm mới của luật, ông Nguyễn Thanh Tú - Thứ trưởng Bộ Tư pháp - nêu rõ, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt VPHC đối với trường hợp vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo kiến nghị của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Theo đó, Luật quy định tăng thời hiệu đối với mỗi loại vi phạm trong các lĩnh vực hiện hành thêm 1 năm (từ 1 năm lên 2 năm; từ 2 năm lên 3 năm) trong trường hợp xử phạt VPHC đối với hồ sơ do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến.
Luật còn bổ sung quy định về xử lý VPHC trên môi trường điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước.
Đặc biệt, Luật bổ sung mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực mới như khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; dữ liệu; công nghiệp công nghệ số; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ông Nguyễn Thanh Tú - Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Ảnh: Trần Vương
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú, Luật còn sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC để quy định một cách khái quát, toàn diện các nhóm chức danh, hệ lực lượng có thẩm quyền xử phạt, đồng thời giao Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết thẩm quyền xử phạt, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo từng chức danh.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục xử phạt, cụ thể: Sửa đổi quy định về xử phạt VPHC không lập biên bản (Điều 56 Luật Xử lý VPHC) theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt VPHC không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 500.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với tổ chức).
Luật cũng sửa đổi, bổ sung về thủ tục tạm giữ (Điều 125 Luật Xủ lý VPHC). Theo đó, quy định rõ khi tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC cùng thời điểm lập biên bản VPHC thì không phải lập biên bản tạm giữ, giúp giảm các trường hợp phải lập biên bản tạm giữ; bổ sung các trường hợp không phải thực hiện thủ tục niêm phong khi tạm giữ, góp phần đơn giản hóa quy trình, thủ tục tạm giữ.
Về việc xử lý tang vật, phương tiện VPHC trong trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện, Luật bổ sung quy định xử lý tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ trong trường hợp hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện theo các phương án xử lý đã được quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 125 và khoản 5 Điều 126 Luật Xử lý VPHC.
Quy định này được bổ sung nhằm khắc phục tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện VPHC, đồng thời, giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản.
https://laodong.vn/thoi-su/bo-sung-quy-dinh-xu-ly-phuong-tien-het-thoi-gian-tam-giu-ma-khong-co-nguoi-nhan-1534218.ldo
Vương Trần (BÁO LAO ĐỘNG)