Thời sự
Cập nhật lúc 12:04 20/05/2025 (GMT+7)
Danh sách trụ sở 3 phường mới ở quận Thanh Xuân sau sắp xếp

Hà Nội - Trụ sở của các phường mới ở quận Thanh Xuân dự kiến được đặt tại trụ sở UBND quận và các trụ sở UBND phường hiện nay.

Danh sách trụ sở 3 phường mới ở quận Thanh Xuân sau sắp xếp
Thông tin trụ sở 3 phường mới ở quận Thanh Xuân sau sắp xếp. Ảnh: Hữu Chánh

Phường Thanh Xuân được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thanh Xuân Trung, Thượng Đình, Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc (thuộc quận Thanh Xuân); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Trung Văn (thuộc quận Nam Từ Liêm); Trung Hoà (thuộc quận Cầu Giấy).

Dự kiến sử dụng trụ sở Quận ủy - HĐND - UBND quận Thanh Xuân hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Thanh Xuân mới.

Lý do lấy tên phường mới là Thanh Xuân: Tên gọi Thanh Xuân có từ thời Pháp thuộc, ven đường Thiên Lý đi vào nội thành Hà Nội, trước cửa chùa Thanh Xuân xuất hiện một dãy phố nên gọi là phố Thanh Xuân, có bến xe điện Thanh Xuân.

Đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX, nhiều khu chung cư được xây dựng thành khu tập thể Thanh Xuân, sau trở thành tiểu khu Thanh Xuân thuộc khu phố Đống Đa. Năm 1982 thành lập phường Thanh Xuân Bắc, quận Đống Đa.

Vì vậy, lấy tên đơn vị hành chính mới là Thanh Xuân bảo đảm yếu tố lịch sử truyền thống văn hóa; đồng thời phù hợp với nguyên tắc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp).

Phường Khương Đình được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Khương Đình, Hạ Đình, Khương Trung (thuộc quận Thanh Xuân); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thượng Đình, Thanh Xuân Trung (thuộc quận Thanh Xuân); Đại Kim (thuộc quận Hoàng Mai); xã Tân Triều (thuộc huyện Thanh Trì).

Dự kiến sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND phường Hạ Đình hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy phường Khương Đình mới. Sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND phường Khương Đình hiện nay (số 33 phố Khương Hạ, Thanh Xuân); phường Khương Trung hiện nay (số 1 ngách 162/27 phố Khương Trung, Thanh Xuân); phường Hạ Đình cũ (số 2 ngõ 320 đường Khương Đình, Thanh Xuân) làm trụ sở của HĐND - UBND phường Khương Đình mới. Sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND phường Thượng Đình hiện nay làm trụ sở của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Khương Đình mới.

Lý do lấy tên phường mới là Khương Đình: Khương Đình là một phường thuộc quận Thanh Xuân hiện nay. Vì vậy, việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Khương Đình phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Phường Phương Liệt được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Khương Mai (thuộc quận Thanh Xuân); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Phương Liệt (thuộc quận Thanh Xuân); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Khương Trung, Khương Đình (thuộc quận Thanh Xuân); Thịnh Liệt, Định Công (thuộc quận Hoàng Mai).

Dự kiến sử dụng trụ sở UBND phường Định Công hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Phương Liệt mới. Sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND phường Khương Mai (số 136 Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân); phường Phương Liệt (số 3 phố Phương Liệt, Thanh Xuân) làm trụ sở của HĐND - UBND phường Phương Liệt mới.

Lý do lấy tên phường mới là Phương Liệt: Phương Liệt là một phường thuộc quận Thanh Xuân hiện nay. Vì vậy, việc lấy tên đơn vị hành chính mới phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

https://laodong.vn/xa-hoi/danh-sach-tru-so-3-phuong-moi-o-quan-thanh-xuan-sau-sap-xep-1509682.ldo

KHÁNH AN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: