Đề xuất bổ sung quy định ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí
Chính phủ đề xuất xây dựng dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế), trong đó bổ sung quy định ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí là 31.5 hàng năm.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay dự án luật sẽ bổ sung các quy định để nhận diện rõ hơn hành vi gây lãng phí và chế tài xử lý. Ảnh: Quochoi.vn
Tại Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10.7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày tờ trình của Chính phủ việc điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025, bổ sung 4 dự án luật do Chính phủ trình.
Theo đó, Chính phủ đề xuất xây dựng 4 dự án luật gồm dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); dự án Luật An ninh mạng; dự án Luật Thương mại điện tử; dự án Luật Giám định tư pháp.
Với dự Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dự án luật này có phạm vi điều chỉnh gồm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, năng lượng; hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Dự luật thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị để hướng tới xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội.
Trong đó tập trung vào các nội dung bổ sung về "Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí" là ngày 31.5 hàng năm; lồng ghép nội dung giáo dục về tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân để hình thành văn hóa, nhận thức về tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân.
Song song tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, phát hiện, xử lý đối với các hành vi lãng phí.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho hay dự án luật sẽ bổ sung các quy định để nhận diện rõ hơn hành vi gây lãng phí và chế tài xử lý theo Hướng dẫn 63 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết thường trực Ủy ban và các cơ quan tán thành sự cần thiết bổ sung 4 dự án vào chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Về dự Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, đa số ý kiến các cơ quan tán thành tên gọi như đề xuất của Chính phủ.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, việc thay đổi tên gọi thành Luật Tiết kiệm, chống lãng phí cần bảo đảm không chỉ là sự thay đổi về hình thức mà phải thiết lập chuẩn mực pháp lý rõ ràng có tính khái quát, bao hàm đầy đủ các nguyên tắc, chính sách, biện pháp thúc đẩy tiết kiệm và ngăn ngừa lãng phí.
Kết luận sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bổ sung 4 dự án luật vào chương trình lập pháp năm 2025 như đề nghị của Chính phủ và nhất trí với trình tự, thủ tục xây dựng dự án luật như Chính phủ trình.
https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-bo-sung-quy-dinh-ngay-toan-dan-tiet-kiem-chong-lang-phi-1538125.ldo
ANH HUY (BÁO LAO ĐỘNG)