Đề xuất cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân
Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển kinh tế tư nhân đề xuất nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng,... cho doanh nghiệp tư nhân.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ hai để thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: Bộ Tài chính
Khuyến khích doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo
Chiều 12.5, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ hai để thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Phiên họp có sự tham dự của các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Vũ Hồng Thanh và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng.
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, Dự thảo nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, Dự thảo đề xuất 5 nhóm chính sách lớn gồm: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.
Dự thảo gồm 7 chương, 17 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt áp dụng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức liên quan. Do tính cấp bách của yêu cầu thực tiễn và định hướng thể chế hóa nhanh các chủ trương lớn, dự thảo được trình theo trình tự rút gọn, đề nghị Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp.
Một số nội dung định lượng đã được đề cập, như hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Chính sách áp dụng với phần đất thuê lại từ chủ đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ; chi phí này sẽ được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất tối thiểu 20ha mỗi khu/cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất có hạ tầng đã đầu tư, dành cho các nhóm doanh nghiệp nêu trên.
Hỗ trợ tín dụng xanh và thúc đẩy chính sách vào thực tiễn
Tại điều 9, Dự thảo nêu rõ doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn, áp dụng bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã lắng nghe rất kỹ các ý kiến góp ý, đồng thời nhận định khó khăn lớn nhất hiện nay là phân loại chính xác nội dung cần thể chế hóa trong nghị quyết, nội dung nên đưa vào các luật đang sửa đổi và những nội dung sẽ tiếp tục hoàn thiện sau. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính rà soát toàn bộ các nhóm chính sách, cụ thể hóa tối đa để khi nghị quyết được thông qua có thể lập tức triển khai, bố trí nguồn lực thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao sự đồng hành của Bộ Tài chính và các cơ quan Quốc hội trong việc xây dựng dự thảo. Ông lưu ý cần tiếp tục phối hợp để đảm bảo tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ông cũng khẳng định, không đặt kỳ vọng nghị quyết lần này sẽ thể chế hóa toàn bộ nội dung của Nghị quyết 68, mà cần có lộ trình, từng bước sửa đổi những quy định còn bất cập.
https://laodong.vn/kinh-doanh/de-xuat-co-che-dac-biet-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-1505799.ldo
Lục Giang (BÁO LAO ĐỘNG)