Thời sự
Cập nhật lúc 10:09 15/05/2025 (GMT+7)
Đề xuất giấy tờ mới của người dân ghi cả địa chỉ trước và sau sáp nhập

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh đề xuất giấy tờ mới của người dân, doanh nghiệp cần ghi cả địa chỉ trước và sau sáp nhập đơn vị hành chính.

Ngày 14.5, nêu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định - cho rằng, quy mô cấp xã trong thời gian tới lớn hơn nhiều so với quy mô cấp xã hiện nay và nhiệm vụ cấp xã mới cũng được bổ sung hầu hết nhiệm vụ của cấp huyện.

Để thể hiện đúng vị thế của các đoàn cấp xã mới đi công tác nước ngoài thực hiện được nhiệm vụ tương đương cấp huyện, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị nên chọn cách dịch xã, phường, cấp xã sang tiếng nước ngoài sao cho phù hợp với mô hình và nhiệm vụ cấp xã mới.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất giấy tờ mới của người dân, doanh nghiệp ghi cả địa chỉ trước và sau sáp nhập. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất giấy tờ mới của người dân, doanh nghiệp ghi cả địa chỉ trước và sau sáp nhập. Ảnh: Quochoi.vn

"Trong thời gian tới, ngành Ngoại giao nên chọn những từ ngữ phù hợp với quy mô, chức năng của xã, phường, cấp xã để phù hợp trong đối ngoại.

Đối với giấy tờ mới, theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp thì được ghi cả địa chỉ mới sau sáp nhập địa giới hành chính và địa chỉ cũ trước khi sáp nhập địa giới hành chính hoặc là có thêm mã QR để khi quét vào đó thì có địa chỉ mới và địa chỉ cũ như Bộ Công an đã làm với căn cước công dân trước đây" - ông Cảnh nói.

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. Ảnh: Quochoi.vn

Góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm trong hoạt động đối ngoại, đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang - lại đề nghị cần bổ sung quy định có tính nguyên tắc để chính quyền địa phương cấp cơ sở sau sáp nhập được tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại, thỏa thuận quốc tế có liên quan.

"Cần có điều khoản quy định chính quyền địa phương cấp cơ sở hoặc cấp trên trực tiếp có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các thỏa thuận quốc tế đã ký nhân danh đơn vị hành chính cũ, đồng thời cập nhật tên gọi mới của đơn vị hành chính" - bà Lan kiến nghị.

Về bổ sung tiêu chí miền núi, theo đại biểu, thực tiễn cho thấy, miền núi có những đặc điểm khác biệt hoàn toàn với mô hình nông thôn đồng bằng, cần có những phương thức bộ máy và chính sách phù hợp. Việc bổ sung tiêu chí miền núi sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế, tiêu chí phân loại đơn vị hành chính và các chính sách đặc thù cho vùng miền núi.

Đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quy định rõ và tăng cường hơn nữa thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đặc biệt là trong việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

Về vấn đề thay đổi tên gọi, địa giới hành chính, chỉ dẫn địa lý, nhận diện thương hiệu địa phương, đại biểu Lý Thị Lan cho hay, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để các địa phương có cơ sở pháp lý xây dựng chiến lược truyền thông thống nhất, xây dựng thương hiệu, định vị, xây dựng bản đồ du lịch mới.

https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-giay-to-moi-cua-nguoi-dan-ghi-ca-dia-chi-truoc-va-sau-sap-nhap-1506812.ldo

Vân trang (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: