Lễ gắn biển đường mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười ở Hải Phòng Mai Chi
Hải Phòng – Thành phố tổ chức lễ gắn biển con đường lớn tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm của Hải Phòng mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Lãnh đạp TP Hải Phòng và đại diện gia đình tại lễ gắn biển tên còn đường mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Mai Chi
Sáng 13.5, tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm, TP Thủy Nguyên, Hải Phòng đã diễn ra lễ gắn biển tên đường mang tên cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Tham dự lễ gắn biển tên đường có ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng cùng Phó Bí thư Thành ủy Đỗ Mạnh Hiến, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Lập, đại diện các ban, sở ngành và gia đình cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13.5.1955-13.5.2025), Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - 2025 và đón nhận Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Thành phố Anh hùng", thành phố Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ gắn biển tuyến đường mang tên đồng chí Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Đường Đỗ Mười tại Hải Phòng. Ảnh: Mai Chi
Theo Phó Chủ tịch Hải Phòng, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Đỗ Mười không chỉ là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc có nhiều đóng góp to lớn được khẳng định trong quá trình cách mạng Việt Nam mà còn là tấm gương lớn về nhân cách người cộng sản mẫu mực. Đồng chí tham gia hoạt động Cách mạng và trưởng thành rất sớm, từ tháng 3.1955, Trung ương Đảng chỉ định đồng chí Đỗ Mười trực tiếp làm Bí Thư Thành ủy Hải Phòng, người đã trực tiếp chỉ đạo việc tiếp quản vùng tập kết chuyển quân 300 ngày tại Hải Phòng làm nên mốc son lịch sử. Đặc biệt là khi Sư đoàn 320 tiến vào tiếp quản thành phố đúng ngày này, ngày 13.5, cách đây tròn 70 năm.
Ngày 15.5.1955, hai ngày sau khi tiếp quản thành phố, Thành ủy Hải Phòng họp, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Mười, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố, đã tập trung phân tích ý kiến và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đề ra những biện pháp vận động quần chúng, đảm bảo trật tự trị an. Từ đây, Ủy ban hành chính thành phố được thành lập để tiếp tục công việc của Ủy ban quân chính. Các ngành chuyên môn của thành phố cũng được chấn chỉnh, kiện toàn…
Với trình độ, năng lực và uy tín, tháng 10.1956, đồng chí Đỗ Mười được Trung ương điều về công tác ở Hà Nội. Có thể khẳng định, trong thời gian trên cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhất là thời gian đầu tiếp quản thành phố, trong bối cảnh hết sức khó khăn, song đồng chí Đỗ Mười đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, đề ra sách lược khôn khéo, vừa xây dựng đời sống mới cho nhân dân, vừa đối phó với thù trong giặc ngoài. Nhờ vậy, Hải Phòng giữ vững được chính quyền nhân dân, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng được lực lượng vũ trang đông đảo, mạnh mẽ. Nhân dân Hải Phòng đã đánh bại hoàn toàn âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Trong thắng lợi chung đó, có phần đóng góp rất quan trọng của đồng chí Đỗ Mười.
Sau này, dù giữ nhiều trọng trách cao hơn, song đồng chí Đỗ Mười vẫn dành cho Hải phòng một tình cảm đặc biệt, qua mỗi lần về thăm và làm việc với thành phố Cảng, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng cán bộ, quân và dân Hải Phòng.
Để tri ân công lao to lớn của đồng chí cố Tổng Bí thư Đỗ Mười, TP Hải Phòng đã đặt tên của đồng chí cho con đường lớn ở Khu đô thị mới Bắc sông Cấm - Trung tâm Chính trị Hành chính của TP Hải Phòng. Tuyến đường này được đầu tư từ năm 2019, nằm trong tổng thể Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, với chiều dài khoảng 1,6km từ cầu Hoàng Văn Thụ đến hết Dự án, chiều rộng mặt cắt đường là 66m; với 10 làn xe, vỉa hè, cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Là tuyến trục chính của khu vực, kết nối vùng lõi đô thị cũ của Hải Phòng với Trung tâm Chính trị - Hành chính mới của thành phố.
https://laodong.vn/xa-hoi/le-gan-bien-duong-mang-ten-co-tong-bi-thu-do-muoi-o-hai-phong-1506079.ldo
Mai Chi (BÁO LAO ĐỘNG)