Lí do đại biểu Quốc hội đề nghị giữ chức danh Chủ tịch Hội người cao tuổi cấp xã
Đại biểu Quốc hội cho rằng nên có Chủ tịch Hội người cao tuổi ở cấp xã để tham mưu, tập hợp người cao tuổi tham gia các hoạt động...
Chủ tịch Hội người cao tuổi cấp xã nằm trong nhóm chức danh người hoạt động không chuyên trách, dự kiến sẽ kết thúc hoạt động từ 1.8.2025.
Tại phiên họp ngày 14.5 của Quốc hội, đại biểu Trương Xuân Cừ đã phát biểu và tha thiết đề nghị giữ lại chức danh trên ở cấp xã.
Đại biểu Trương Xuân Cừ phát biểu tha thiết đề nghị giữ chức danh Chủ tịch Hội người cao tuổi cấp xã. Ảnh: Quochoi
Vai trò của Chủ tịch Hội người cao tuổi ở cơ sở
Trao đổi với PV báo Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội (Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam) cho rằng, việc giữ lại chức danh Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở cấp xã là cần thiết, nhằm có đầu mối tham mưu cho UBND cấp xã về các hoạt động của người cao tuổi trên địa bàn; chỉ đạo các hoạt động, phong trào của Hội ở cơ sở.
Theo đại biểu Cừ, các phong trào của Hội Người cao tuổi ở cấp cơ sở thời gian qua được triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực và đạt được kết quả tích cực.
Như kết quả tổng kết 5 năm phong trào về vai trò của người cao tuổi trong xây dựng và bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, có 800.000 tin tố giác tội phạm có giá trị được người cao tuổi đóng góp.
Về phát triển kinh tế, hiện trên toàn quốc có khoảng 400.000 người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi đã được biểu dương và các phong trào xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị… đều có vai trò của người cao tuổi.
"Để có kết quả đó phải có người phát động, có người chỉ đạo, có người tổ chức thực hiện, có người sơ kết, tổng kết", đại biểu Trương Xuân Cừ chia sẻ và nhấn mạnh sự cần thiết có chức danh Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở cấp xã.
Cũng theo đại biểu Cừ, hiện nay Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, phường, tổ dân phố, thôn bản...) hầu hết là chức danh kiêm nhiệm, không đứng riêng biệt.
Đại biểu mong muốn sớm có thông tin khẳng định khi chức danh không chuyên trách ở cấp xã kết thúc hoạt động thì chức danh Chủ tịch Hội Người cao tuổi sẽ do một cán bộ, công chức của xã, phường kiêm nhiệm, nhằm đảm bảo hoạt động của Hội không bị gián đoạn, người cao tuổi ở cơ sở được yên tâm.
Thay đổi quan niệm "già chỉ có chơi"
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, hiện ở nước ta có khoảng 1 triệu người cao tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể ở thôn xóm, tổ dân phố. Có khoảng 7 triệu người cao tuổi đang lao động sản xuất…
Đại biểu Cừ nhấn mạnh, người cao tuổi luôn phát huy truyền thống 740 năm Hào khí Diên Hồng, 84 Năm lời kêu gọi Phụ lão cứu quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong kỷ nguyên mới, người cao tuổi cũng có trách nhiệm, mong muốn cống hiến.
Đại biểu Trương Xuân Cừ. Ảnh: Tô Thế
"Từ trước đến nay thường có quan niệm già chỉ có ăn chơi, nhưng bây giờ phải khác, già càng phải lao động, đó là xu hướng của thế giới.
Lao động để người cao tuổi có sức khỏe, thể chất cường tráng, trí tuệ không bị sa sút, còn về thu nhập thì chỉ là cái sau cùng", đại biểu Cừ nhấn mạnh.
Từ thực tế trên, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam xác định, ngoài nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi thì nhiệm vụ phát huy vai trò của người cao tuổi cũng đặc biệt được quan tâm.
https://laodong.vn/thoi-su/li-do-dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-giu-chuc-danh-chu-tich-hoi-nguoi-cao-tuoi-cap-xa-1509539.ldo
Tô Thế (báo lao động)