Lo phát sinh cơ chế xin - cho với doanh nghiệp thân hữu khi mở rộng chỉ định thầu
Luật Đấu thầu (sửa đổi) mở rộng đối tượng chỉ định thầu, tuy nhiên cơ quan thẩm tra lo ngại quy định này dễ phát sinh cơ chế xin - cho.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 17.5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tờ trình trước Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Mở rộng đối tượng chỉ định thầu
Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung nguyên tắc cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp (đấu thầu, chỉ định thầu...) trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Đồng thời, mở rộng hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Dự án Luật bổ sung, mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu, dự án cần bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc có yêu cầu đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lớn, quan trọng, cấp bách...
Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng việc mở rộng đối tượng chỉ định thầu có thể phát sinh cơ chế xin - cho. Ảnh: Quochoi
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội cho rằng, quy định này có thể tạo điều kiện rút ngắn thời gian hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách, nhưng dễ dẫn đến phát sinh cơ chế xin – cho, trục lợi chính sách, giao thầu, chỉ định thầu trong phạm vi hẹp cho một số doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thân hữu.
Từ đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có điều kiện tiếp cận việc mua sắm công, tham gia các dự án đầu tư công.
"Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động chính sách, báo cáo rõ về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn để Quốc hội xem xét, quyết định", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho hay.
Cắt giảm, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian trong đấu thầu
Theo tờ trình của Chính phủ về Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhằm cắt giảm, đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian trong đấu thầu, dự án Luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng bãi bỏ thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; lược bỏ một số thủ tục, thao tác đấu thầu qua mạng và một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu nhằm rút ngắn thời gian, cắt giảm thủ tục trong đấu thầu.
Bãi bỏ vai trò bên mời thầu và chuyển giao một số nhiệm vụ của bên mời thầu cho tổ chuyên gia, chủ đầu tư nhằm tinh gọn, xóa bỏ cấp trung gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Không áp dụng bảo đảm cạnh tranh đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp có cùng cơ quan quản lý.
Quang cảnh phiên họp sáng 17.5. Ảnh: Quochoi
Đồng thời, dự án Luật sửa đổi quy định về chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh theo hướng Luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về các hình thức này nhằm tạo cơ chế linh hoạt, chủ động, kịp thời để Chính phủ quy định các trường hợp chỉ định thầu trong trường hợp cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lớn, quan trọng, cấp bách...
https://laodong.vn/thoi-su/lo-phat-sinh-co-che-xin-cho-voi-doanh-nghiep-than-huu-khi-mo-rong-chi-dinh-thau-1508210.ldo
Tô Thế (báo lao động)