Mở rộng hệ sinh thái, đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Bộ GDĐT đang xây dựng Đề án quốc gia “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045. Đây là một nội dung quan trọng trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
TS Vũ Văn Ngọc tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh. Ảnh: Vân Trang
Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Tiếng Anh là 1 trong 7 ngoại ngữ được giảng dạy trong các trường học tại Việt Nam và là ngoại ngữ có số lượng học sinh lựa chọn, số trường lớp giảng dạy chiếm đa số, được sử dụng rộng rãi trong và ngoài nhà trường.
Theo Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng, với mục tiêu giáo dục học sinh trở thành công dân toàn cầu, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tác động đến toàn quốc, nhiều thế hệ người Việt Nam.
Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh quan điểm: “Trước đây, dạy, học ngoại ngữ thường tập trung sâu vào ngữ pháp, từ vựng chưa chú trọng nhiều về giao tiếp. Với Đề án quốc gia Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045, Bộ GDĐT mong muốn phát triển khả năng giao tiếp của học sinh ở cả trong trường học và ngoài xã hội, tạo nên hệ sinh thái phát triển ngoại ngữ”.
Dưới góc nhìn của đơn vị đào tạo sư phạm hàng đầu cả nước, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhấn mạnh quan điểm: “Bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên là điều kiện tiên quyết để thực hiện đề án”.
Do đó, trong những năm gần đây, nhà trường đã tổ chức cho sinh viên thực tập sư phạm tại các trường quốc tế hoặc song ngữ, tổ chức các câu lạc bộ tiếng Anh chuyên ngành, các hội thảo, tọa đàm chuyên đề với sự tham gia của giảng viên quốc tế. Đồng thời, thực hiện thí điểm đưa học sinh đi học một số học phần tương đương tại nước ngoài theo hình thức trao đổi. Tuyển sinh từng năm được nâng cao đầu vào và thắt chặt đầu ra.
Về phía Bộ GDĐT, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, bộ đề nghị các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên chủ động xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, xây dựng chương trình thực hiện Đề án. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các Sở GDĐT để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Từ những kinh nghiệm lý luận, thực tiễn, các cơ sở giáo dục đại học có thể tham mưu cho Bộ GDĐT ban hành các chính sách hiệu quả trong thời gian tới.
Mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên
Ở bậc đại học, nhận định đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học đem lại nhiều cơ hội cho người học, đặc biệt là sau khi tốt nghiệp, nhiều cơ sở giáo dục hiện nay đang đẩy mạnh các chương trình liên kết cùng những trường đại học hàng đầu trên thế giới, các chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế.
Chẳng hạn, với Chương trình DDP (Dual Degree Programme) - Liên kết đào tạo Mỗi bên Cấp Một Bằng Cử nhân giữa Học viện Tài chính và Đại học Greenwich, sau 4 năm ra trường, sinh viên không chỉ nắm trong tay cả 4 chuyên ngành: Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán mà còn tự tin với IELTS 6.0 và 9 môn F do ACCA công nhận.
Chính vì vậy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm các năm đạt trên 98%, trong đó có khoảng 10% các bạn làm việc tại các cơ quan Nhà nước; khoảng 35% các bạn làm ở Big 4 kế kiểm và nếu tính cả Big 4 ngân hàng và các tập đoàn, tổng công ty thì con số này lên tới gần 65%.
"Cơ hội việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp chương trình này là rất rộng mở. Sau 4 năm, hành trang sinh viên có "nặng" hơn rất nhiều so với sinh viên hệ đào tạo chuẩn" - bà Huyền cho hay.
Tại Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao & POHE (Đại học Kinh tế Quốc dân), ngoài việc đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ ngữ thứ hai trong giảng dạy, đơn vị còn mở rộng hợp tác để sinh viên được rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, tiếp xúc với văn hóa các nước trên thế giới.
“Đại học Kinh tế Quốc dân đã ký nhiều thỏa thuận với các trường đại học lớn để cung cấp các cơ hội cho sinh viên. Ví dụ, sinh viên được học trao đổi một học kỳ ở các trường đại học nước ngoài có liên kết với nhà trường được chuyển đổi sang tín chỉ của nhà trường. Đồng thời, các chương trình chuyển tiếp giúp sinh viên sang học tập và nhận bằng chính quy của trường đại học đối tác. Người học có khả năng tiếng Anh chuyên ngành ở mức chuyên sâu thì cơ hội làm việc với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế cao. Nhiều em sau khi tốt nghiệp còn đi du học chương trình sau đại học" - TS Vũ Văn Ngọc - Viện trưởng Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao & POHE, Đại học Kinh tế Quốc dân - chia sẻ và cho rằng, điều này giúp sinh viên nắm bắt được thị trường lao động trong nước và quốc tế, qua đó, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao & POHE cũng mời giảng viên từ các trường đại học lớn ở Hoa Kỳ, Anh, Australia, Hà Lan... về giảng dạy. Đây là cơ hội để sinh viên được tiếp cận với kiến thức, nền văn hóa của các quốc gia phát triển, có trải nghiệm thực tế, tăng cơ hội tìm kiếm cơ hội việc làm hay du học sau khi tốt nghiệp.
https://laodong.vn/giao-duc/mo-rong-he-sinh-thai-dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-2-trong-truong-hoc-1536675.ldo
Tường Vân (báo lao động)