Thời sự
Cập nhật lúc 03:10 08/07/2025 (GMT+7)
Nhiều trường chất lượng cao ở Hà Nội bố trí số giáo viên đứng lớp thấp hơn quy định

Hà Nội - Nhiều trường bố trí số lượng giáo viên đứng lớp thấp ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học, triển khai hoạt động giáo dục ngoài chương trình chính khóa.

Nhiều trường chất lượng cao ở Hà Nội bố trí số giáo viên đứng lớp thấp hơn quy định
Trường THPT Lê Lợi (phường Hà Đông) là một trong những trường chất lượng cao ở Hà Nội bố trí giáo viên đứng lớp thấp hơn quy định. Ảnh: Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông (cũ)

Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND Hà Nội) vừa có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục của thành phố Hà Nội gửi HĐND TP và Thường trực HĐND TP.

Theo Ban Văn hóa - Xã hội, mô hình trường chất lượng cao được quy định tại Điều 12 của Luật Thủ đô năm 2012, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện (từ năm 2013 đến nay), toàn TP Hà Nội có 22 trường mầm non, phổ thông được công nhận chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập.

Hầu hết các trường chất lượng cao có cơ sở vật chất khang trang, đảm bảo điều kiện học tập và phát triển toàn diện cho học sinh; đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn cao; phương pháp giảng dạy luôn được đổi mới; các trường chất lượng cao luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ, năng lực quản lý và uy tín cao...

Bên cạnh kết quả nổi bật trong xây dựng, phát triển mô hình giáo dục chất lượng cao có tính tiên phong, thực tiễn xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn.

Ban Văn hóa - Xã hội cho biết, một số trường công lập chất lượng cao không duy trì được ưu thế, giảm sức hút, đặc biệt 7/7 trường mầm non chất lượng cao đều có tỷ lệ tuyển sinh qua các năm thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra.

Một số trường chất lượng cao có sĩ số học sinh vượt quá quy định.

Nhiều trường bố trí số lượng giáo viên đứng lớp thấp hơn so với quy định tại Thông tư 20/2023 của Bộ GDĐT (về định mức giáo viên/lớp học), gồm: 7 trường mầm non công lập chất lượng cao; Tiểu học Nam Từ Liêm (1,37 giáo viên/lớp); THCS: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Chu Văn An - phường Việt Hưng (bố trí 1,63-1,85 giáo viên/lớp); THPT Lê Lợi - phường Hà Đông (1,65 giáo viên/lớp).

Điều này ảnh hưởng đến khả năng tổ chức dạy học cũng như triển khai các hoạt động giáo dục ngoài chương trình chính khóa.

Ngoài ra, một số trường mầm non chất lượng cao chưa bố trí được giáo viên chuyên biệt (tạo hình, âm nhạc, thể chất) đảm bảo theo quy định.

Công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục tại các trường chất lượng cao đang bị ràng buộc bởi một số quy định áp dụng chung cho các trường công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

Dù có đặc thù riêng về chương trình giảng dạy nâng cao, các trường chất lượng cao vẫn phải tuân thủ định mức chi tiêu, quy trình mua sắm như các đơn vị công lập thông thường, dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND và Quyết định số 21/2013/QĐUBND ngày 24.6.2013 của UBND Thành phố về tiêu chí trường chất lượng cao chậm được sửa đổi, bổ sung nên đến nay nhiều tiêu chí của Quyết định đã không còn phù hợp, chưa đồng bộ với Luật Giáo dục 2019 và các Thông tư mới của Bộ GDĐT, không đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học hiện đại.

Theo Ban Văn hóa - Xã hội, đây là một trong những nguyên nhân khiến các trường công lập chất lượng cao mất dần ưu thế vượt trội, sự khác biệt so với các cơ sở giáo dục đại trà, nhất là về cơ sở vật chất khi thời gian qua Thành phố tập trung đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia đồng bộ, hiện đại.

https://laodong.vn/giao-duc/nhieu-truong-chat-luong-cao-o-ha-noi-bo-tri-so-giao-vien-dung-lop-thap-hon-quy-dinh-1536502.ldo

SÓNG HỮU (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: