Thời sự
Cập nhật lúc 02:30 20/05/2025 (GMT+7)
Phân định rõ phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch UBND khi phân cấp, phân quyền

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, ở địa phương cũng cần phân định rõ phạm vi thẩm quyền Ủy ban nhân dân (UBND) và Chủ tịch UBND khi phân cấp, phân quyền.

Phân định rõ phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch UBND khi phân cấp, phân quyền
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về thực hiện phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: VGP

Ngày 19.5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về thực hiện phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, còn nhiều vấn đề vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cả về nguyên tắc, tiêu chí lẫn điều kiện thực thi.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, những nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chính sách chung của cả nước, như xây dựng luật pháp, chiến lược, quy hoạch tổng thể, các dự án trọng điểm quốc gia, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… thì cần giữ ở cấp Trung ương, thuộc thẩm quyền Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.

Các quy định hành chính cụ thể, mang tính chuyên môn kỹ thuật như tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá định mức kỹ thuật... có thể phân cấp, phân quyền cho bộ trưởng, trưởng ngành.

Những nhiệm vụ mang tính thực thi cụ thể trên một địa bàn, không có yếu tố liên tỉnh, liên ngành thì giao cho cấp tỉnh là phù hợp. Nguyên tắc là "cấp nào gần dân, sát thực tiễn và đủ năng lực thì cấp đó làm".

Địa phương có thể xây dựng quy định chi tiết hơn, phù hợp với thực tiễn, thậm chí chặt chẽ hơn, miễn là tuân thủ pháp luật, định hướng tổng thể quốc gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngay ở địa phương cũng cần phân định rõ phạm vi thẩm quyền Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban Nhân dân (UBND) và Chủ tịch UBND khi thực hiện phân cấp, phân quyền.

Theo đó, HĐND tập trung vào việc quyết định định hướng chiến lược, chính sách dài hạn; còn UBND và Chủ tịch UBND là đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện trong tổ chức thực thi.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần quy định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng công việc dựa trên kết quả và mục tiêu cuối cùng, sau khi thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, phân cấp, phân quyền, ủy quyền chỉ thực sự hiệu quả nếu đi kèm với điều kiện bảo đảm thực hiện như nguồn nhân lực, tài chính, trang thiết bị, cơ sở pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật…

Nếu thiếu đồng bộ, việc giao quyền sẽ dẫn tới rủi ro trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý.

Trong trường hợp địa phương không đủ điều kiện thực thi, cần chủ động trao đổi lại với Trung ương để điều chỉnh, tránh tình trạng "giao cho xong" dẫn đến ách tắc hoặc đùn đẩy trách nhiệm.

Việc rà soát, đề xuất phân cấp, phân quyền phải thực hiện trong khuôn khổ Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật chuyên ngành hiện hành.

Chỉ nên thực hiện đối với các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành đã hoàn thiện đầy đủ về cơ sở pháp lý, chính trị, công cụ hỗ trợ như quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức và công cụ kiểm soát.

"Phân cấp, phân quyền phải đi kèm với điều kiện thực thi cụ thể. Nếu địa phương được giao nhiệm vụ mới, cần đồng thời được điều chỉnh về tổ chức bộ máy, nhân lực, thiết bị và kinh phí” - Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ, chỉ phân cấp khi đã có đủ cơ sở pháp lý và công cụ hỗ trợ như quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức.

Ngược lại, những nội dung mà cơ quan Trung ương chưa hoàn thiện thì chưa thể giao cho địa phương mà cần tiếp tục xem xét, tính toán phù hợp.

https://laodong.vn/thoi-su/phan-dinh-ro-pham-vi-tham-quyen-cua-chu-tich-ubnd-khi-phan-cap-phan-quyen-1509459.ldo

ANH HUY (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: