Phát triển mô hình tập đoàn khi vận hành đường sắt cao tốc
Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt nam cho biết, đơn vị sẵn sàng phát triển mô hình tập đoàn để tiếp nhận vận hành đường sắt cao tốc trong thời gian tới.
Tổng Công ty Đường sắt có nhiều chuẩn bị vận hành đường sắt cao tốc thời gian tới. Ảnh: Xuyên Đông
Sẽ phát triển mô hình tập đoàn
Ngày 19.5, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại và diễn đàn “Đảng với công nhân - Công nhân với Đảng” giữa lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với công nhân lái tàu, sửa chữa đầu máy; công nhân khám, sửa chữa, cứu viện toa xe. Hội nghị đã thu hút 188 công nhân, người lao động trực tiếp tham gia.
Phát biểu khai mạc Hội nghị ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, có những lúc chúng tôi tưởng chừng phải đóng cửa đường sắt, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Các đơn vị không có tiền để trả lương, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng chính trong những thời điểm cam go ấy, ngành đường sắt đã thể hiện đúng vai trò của mình. Những chuyến tàu chở người dân từ Bắc vào Nam, chở hàng hóa thiết yếu đi khắp mọi miền, khi mà chỉ có đường sắt còn hoạt động, đã được nhân dân trong và ngoài nước ghi nhận.
Chúng ta đang hướng đến một nhiệm kỳ mới với nhiều dấu mốc quan trọng. Quốc hội vừa thông qua nhiều dự án lớn chưa từng có trong lịch sử ngành đường sắt như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là một “siêu dự án” với tổng vốn đầu tư lên đến 67 tỉ USD; dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trị giá hơn 8,3 tỉ USD.
Phía trước còn nhiều thách thức. Ngành đường sắt phải triển khai các hoạt động cấp bách, tái cơ cấu toàn diện để đưa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trở thành Tập đoàn. Tập đoàn sẽ tiếp nhận vận hành đường sắt tốc độ cao; tổ hợp vận hành đảm nhiệm chức năng bảo trì, sửa chữa cho cả đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Đồng thời, phải đào tạo nguồn nhân lực đủ mạnh, dự án dự kiến sẽ đào tạo 21.000 người để tiếp nhận chuyển giao công nghệ đường sắt tiên tiến.
"Chúng ta cần phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực tự cường, hợp tác hiệu quả, tinh gọn đột phá, kiến tạo tương lai trong thời gian tới", ông Đặng Sỹ Mạnh nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị đối thoại công nhân của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh: Xuyên Đông
Giải đáp nhiều kiến nghị
Tại Hội nghị, nhiều câu hỏi của các đơn vị cũng đã được giải đáp. Tiêu biểu như Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đề nghị Tổng công ty xem xét tiền lương. Hiện tại, lương của hệ đầu máy thấp hơn lương của các hệ khác trong ngành (cụ thể lương của đầu máy có cả lao động nặng nhọc và đặc thù ... nhưng tổng thu nhập bình quân thấp).
Trả lời vấn đề này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sau giai đoạn Covid và sản xuất kinh doanh của Tổng công ty khó khăn, trong 2 năm gần đây, tiền lương thu nhập của khối xí nghiệp đầu máy đã có thay đổi tăng. Năm 2024, lương bình quân đạt 12,2 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân đã đạt trên 13,1 triệu đồng/người/tháng.
Xí nghiệp Đầu máy Vinh kiến nghị, Tổng công ty triển khai sớm việc lắp chắn tự động tại một số đường ngang. Xóa bỏ các lối đi tự mở theo đúng lộ trình, kết hợp tuyên truyền để người dân không tự ý tạo đường ngang trái phép.
Trả lời kiến nghị này, Tổng công ty Đường sắt cho biết, hiện tại trên các tuyến đường sắt Tổng công ty đang quản lý có 750 đường ngang cảnh bảo tự động (CBTĐ). Trong đó 741 Đường ngang CBTĐ có cần chắn tự động (CCTĐ) và 9 đường ngang CBTĐ chưa có CCTĐ.
Các đường ngang CBTĐ chưa có CCTĐ Tổng công ty đã đề xuất Bộ Xây dựng cho phép lắp đặt CCTĐ (đưa vào kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2025) tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổng công ty giao Ban Quản lý hạ tầng tiếp tục tham mưu đề xuất Bộ Xây dựng cho phép lắp đặt.
Về việc xóa bỏ các lối đi tự mở đã được Tổng công ty lập trong đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt được phê duyệt theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10.3.2020 và Quyết định số 1149/QĐ-BGTVT ngày 15.6.2020.
Do nguồn vốn hạn chế, đến thời điểm hiện tại còn nhiều lối đi tự mở chưa được xóa bỏ.
Tổng công ty giao Ban An ninh an toàn tham mưu chỉ đạo Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh, Công ty Cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh phối hợp với địa phương để rào đóng và tuyên truyền người dân không tự ý tạo lối đi tự mở.
https://laodong.vn/xa-hoi/phat-trien-mo-hinh-tap-doan-khi-van-hanh-duong-sat-cao-toc-1509218.ldo
Xuyên Đông (báo lao động)