Sáp nhập Bộ Chỉ huy quân sự 4 tỉnh thuộc Quân khu 2
Quân khu 2 sẽ thực hiện sáp nhập Bộ Chỉ huy quân sự ở 4 tỉnh thành 2 khi thực hiện phương án sắp xếp, sáp nhập tỉnh thành.
Đại tá Đào Toàn Thắng - Phụ trách Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang - báo cáo về những nội dung chuẩn bị sáp nhập giữa hai tỉnh. Ảnh: Quân khu 2
Theo thông tin từ Quân khu 2, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 2 do Thiếu tướng Trần Văn Bắc - Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 2 - dẫn đầu vừa chủ trì buổi làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Tuyên Quang và Bộ CHQS tỉnh Hà Giang về công tác chuẩn bị sáp nhập hai đơn vị theo chủ trương của Bộ Quốc phòng.
Tại buổi làm việc này, lãnh đạo, chỉ huy hai đơn vị Tuyên Quang và Hà Giang cùng tập trung thảo luận, báo cáo đánh giá tình hình tổ chức biên chế hiện tại, xác định phương án tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ sau khi sáp nhập, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng địa phương trong tình hình mới.
Các nội dung cụ thể bao gồm: Phương án hợp nhất các cơ quan, phòng ban chức năng; nguyên tắc điều động, bố trí, sử dụng cán bộ đảm bảo công bằng, hợp lý; lộ trình chuyển giao, tiếp nhận cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật; công tác tư tưởng, ổn định tổ chức và bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng sau sáp nhập.
Thiếu tướng Trần Văn Bắc nhấn mạnh: Việc sáp nhập không chỉ là yêu cầu tổ chức lại lực lượng, mà còn là cơ hội để nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ CHQS cấp tỉnh, phù hợp với chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ.
Trong tuần qua, tại Bộ CHQS tỉnh Yên Bái, Thiếu tướng Trần Văn Bắc cũng chủ trì buổi làm việc với Bộ CHQS tỉnh Lào Cai và Yên Bái nhằm kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ và công tác chuẩn bị sáp nhập hai đơn vị theo chủ trương của Bộ Quốc phòng.
Tại buổi làm việc này, lãnh đạo, chỉ huy hai đơn vị tập trung thảo luận, báo cáo đánh giá tình hình tổ chức biên chế hiện tại, phương án bố trí cán bộ, vị trí ăn, ở, sinh hoạt cho cán bộ công tác tại tỉnh Yên Bái; phương án bố trí các khu vực phòng thủ của 2 tỉnh sau khi hợp nhất;
Đồng thời trao đổi phương án thu hồi cơ sở vật chất, các loại trang thiết bị, vị trí bố trí Ban CHQS các xã, phường, các chế độ, chính sách cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ…
Thiếu tướng Trần Văn Bắc yêu cầu, các cơ quan chuyên môn ngay sau hội nghị nhanh chóng tổng hợp, hoàn chỉnh các phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Tại Nghị quyết số 60 được Trung ương Đảng thông qua ngày 12.4 tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Trung ương Đảng đồng ý phương án sáp nhập tỉnh thành còn 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Trong đó có 23 tỉnh, thành phố mới sẽ được thành lập theo các phương án sáp nhập.
Trong số này, hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
Hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, lấy tên là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.
https://laodong.vn/thoi-su/sap-nhap-bo-chi-huy-quan-su-4-tinh-thuoc-quan-khu-2-1512672.ldo
Lam Duy (báo lao động)