Thời sự
Cập nhật lúc 10:32 19/05/2025 (GMT+7)
Sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng, đưa cán bộ tỉnh về xã để giải quyết dôi dư và giảm cấp phó

HĐND Quảng Nam và Đà Nẵng bước đầu đề xuất đưa cán bộ cấp tỉnh về giữ vị trí chủ chốt tại xã, phường.

Sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng, đưa cán bộ tỉnh về xã để giải quyết dôi dư và giảm cấp phó
Quang cảnh buổi làm việc giữa HĐND 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng chiều 15.5. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Chiều 15.5, tại thành phố Tam Kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam và HĐND thành phố Đà Nẵng đã có buổi làm việc nhằm bàn thảo phương án sáp nhập hai cơ quan, trong bối cảnh chuẩn bị thực hiện Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.

Về đề xuất bố trí số lượng cán bộ cấp trưởng, cấp phó dôi dư từ cơ quan HĐND cấp tỉnh về giữ các chức danh chủ chốt tại cấp phường, xã được cán bộ, công chức địa phương đặc biệt quan tâm.

Trước hết, cán bộ cấp tỉnh đa số là nguồn nhân lực cao, khi sáp nhập, sẽ có dôi dư, nếu những cán bộ, công chức này nghỉ hưu sớm cũng là sự lãng phí. Do đó, phương án đưa cán bộ tỉnh về công tác tại phường, xã là sử dụng hiệu quả cán bộ, công chức có năng lực.

Thứ hai, khi sáp nhập một số cơ quan trong tỉnh và sáp nhập tỉnh, dẫn đến dôi dư nhiều cán bộ cấp phó. Đưa những cán bộ từ tỉnh về công tác ở phường, xã cũng là cách để giảm cấp phó.

Trên thực tế, đối với những cán bộ có năng lực, tâm huyết, họ sẵn sàng về phường, xã công tác để làm việc, cống hiến hết khả năng của mình, còn hơn giữ chức phó ở các cơ quan tỉnh, nhưng "sáng vác ô đi, tối vác về".

Người làm việc thực chất thì không ngại mọi sự phân công, kể cả từ cấp cao hơn xuống làm cán bộ cấp thấp hơn.

Điều động cán bộ, Quảng Nam và Đà Nẵng cũng nên tham khảo cách làm của Hà Nội và TPHCM, không bố trí người địa phương làm bí thư, chủ tịch cấp xã. Đây là biện pháp để ngăn chặn các quan hệ bà con dòng họ, tình cảm riêng tư can thiệp vào việc công.

Đối với cán bộ tỉnh được phân công về phường, xã công tác, cũng phải nhận thức cao về trách nhiệm công vụ. Với chủ trương hiện nay, không có nghĩa là làm cán bộ xã suốt đời, mà sẽ có sự sàng lọc, thay đổi theo tinh thần "có vào có ra" và "không biên chế suốt đời".

Cán bộ làm việc tốt, thể hiện được tài năng, đạo đức, sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến, được giao giữ những vị trí công tác cao hơn.

Đối với người không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ bị loại trừ ra khỏi bộ máy. Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), công chức 2 năm liên tiếp được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị buộc thôi việc.

Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ sàng lọc để tìm ra tinh hoa, không có chuyện "vàng thau lẫn lộn".

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/sap-nhap-quang-nam-va-da-nang-dua-can-bo-tinh-ve-xa-de-giai-quyet-doi-du-va-giam-cap-pho-1507591.ldo 

Lê Thanh Phong (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: