Sự kiện Bình luận Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh sẵn sàng vận hành Trung tâm tài chính quốc tế
TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đang quảng bá, xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư… để sẵn sàng cho vận hành của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết định hướng, chủ trương sẽ phát triển 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nhưng hoạt động ở 2 thành phố là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Ngày 20.5, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến về xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng và đề xuất các cơ chế chính sách cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay, cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, hai thành phố là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đang quyết liệt chuẩn bị hạ tầng cứng và hạ tầng mềm rất đồng bộ, cùng với đó là thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Hai thành phố cũng đang quảng bá, xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư… để sẵn sàng cho vận hành của trung tâm tài chính quốc tế cũng như bảo đảm sẵn sàng kết nối toàn cầu khi trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam chính thức đi vào vận hành, hoạt động.
"Với nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, không ngừng được cải thiện; có những chính sách hấp dẫn trong mời gọi, thu hút đầu tư; có tiềm năng lớn về nguồn lực lao động…, nếu tận dụng được thời điểm "vàng" và có Trung tâm tài chính quốc tế, đây sẽ là cú hích mạnh đối với nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam; tạo khung pháp lý đột phá, minh bạch", theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng cho biết định hướng, chủ trương sẽ phát triển 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nhưng hoạt động ở 2 thành phố là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ xây dựng một hành lang pháp lý mang tính đột phá để phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực quốc tế.
Khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; bảo đảm các cơ chế chính sách cho trung tâm tài chính quốc tế mang tính đặc thù, vượt trội, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cũng như bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; có bước đi phù hợp với năng lực quản lý, quản trị của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong xây dựng cơ chế, chính sách, khung pháp lý cho phát triển trung tâm tài chính quốc tế có sự tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng luật pháp, thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế nhưng không phải là sự sao chép đơn thuần, sao chép cơ học, máy móc mà có sự lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với đặc thù và điều kiện của Việt Nam.
Về hạ tầng pháp lý, trước hết, Chính phủ sẽ tập trung bổ sung hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, hệ thống các nghị định của Chính phủ sẽ được ban hành với các chính sách vượt trội, cởi mở, có nhiều ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ, nhất là những ưu đãi về thuế quan; hạ tầng; xuất nhập cảnh, cư trú, lao động;… đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
https://laodong.vn/thoi-su/da-nang-va-tp-ho-chi-minh-san-sang-van-hanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-1509908.ldo
ANH HUY (báo lao động)