Tây Nguyên bứt phá sau 50 năm Ngày giải phóng
Sau 50 năm kể từ Ngày giải phóng, các tỉnh Tây Nguyên đã có bước chuyển mình rõ nét, vươn lên phát triển mạnh mẽ.
TP Pleiku nỗ lực phấn đấu phát triển cao nguyên xanh thân thiện, vì môi trường, sức khỏe. Ảnh: THANH TUẤN
Những vùng đất chiến địa
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Gia Lai ngày càng nâng cao, diện mạo đô thị và nông thôn khởi sắc. Sau 50 năm xây dựng và phát triển, Gia Lai đã vươn lên mạnh mẽ từ một địa phương chịu nhiều tổn thất do chiến tranh, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển toàn diện, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực vào năm 2030.
Những chiến công lịch sử như Chiến dịch Plei Me, Chiến thắng Cheo Reo - Phú Bổn, Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Xuân - Hè 1972... mãi là niềm tự hào của nhân dân Gia Lai, góp phần tô thắm truyền thống cách mạng của quê hương. Các anh hùng như Đinh Núp, Y Đôn, A Sanh, Kpă Klơng... đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất.
Tại Kon Tum, ngày 16.3.1975, lực lượng vũ trang và nhân dân đồng loạt tấn công, làm chủ thị xã Kon Tum, giải phóng hoàn toàn tỉnh. Cựu chiến binh Nguyễn Trung Quế - nguyên cán bộ Ban Trinh sát (Tỉnh đội Kon Tum cũ) - vẫn nhớ rõ những năm tháng hào hùng trong Chiến dịch Tây Nguyên với phương châm “hành quân thần tốc, đánh nhanh, thắng lớn”. Dù bom đạn ác liệt, tinh thần chiến đấu luôn kiên cường, vững vàng.
“Thế hệ chúng tôi đã đổ máu, hy sinh để đất nước giành được độc lập, tự do. Giờ đây, khi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Kon Tum, đời sống người dân ngày càng nâng cao, ai cũng cảm thấy tự hào” - ông Quế xúc động chia sẻ.
Nếu trước đây kinh tế Kon Tum chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp tự cung tự cấp, thì nay đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển hiện đại. Các vùng chuyên canh cà phê, caosu, sâm Ngọc Linh cùng nông nghiệp công nghệ cao đang hình thành tại nhiều huyện như Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Đăk Tô, Sa Thầy… Những vùng đất từng gắn với các trận chiến ác liệt nay đã chuyển mình mạnh mẽ, phố phường khang trang, đời sống người dân ngày càng ấm no, an ninh trật tự được giữ vững.
Phát triển về mọi mặt
Tại Đắk Nông, Chiến thắng Đức Lập ngày 9.3.1975 là trận đánh lớn đầu tiên mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt quan trọng, thúc đẩy khí thế tấn công và nổi dậy trên toàn chiến trường.
Ông Đoàn Văn Kỳ, cư dân huyện Đắk Mil hồi tưởng: “Tôi cùng gia đình chuyển từ miền Trung vào sinh sống tại Đắk Mil từ những năm 1990. Gần 30 năm gắn bó với mảnh đất này, tôi chứng kiến sự đổi thay toàn diện về mọi mặt”.
Đến nay, huyện Đắk Mil đã được đầu tư phát triển hạ tầng với nhiều tuyến đường giao thông, trường học được xây dựng mới. Nhiều hộ nông dân sau thời gian đầu tư sản xuất nông nghiệp đã cải thiện được đời sống, từng bước vươn lên khá giả.
Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh có nền kinh tế khá trong cả nước.
Với 49 dân tộc cùng sinh sống, Đắk Lắk là vùng đất đa văn hóa đặc sắc. Sự giao thoa giữa văn hóa bản địa và văn hóa các dân tộc di cư đã tạo nên không gian văn hóa phong phú, độc đáo và tiêu biểu của Tây Nguyên. Đặc biệt, thành phố Buôn Ma Thuột đang trên đường phát triển là thành phố cà phê của thế giới, xứng đáng là thủ phủ của trung tâm vùng Tây Nguyên.
Còn với Lâm Đồng đang vươn lên mạnh mẽ với nền kinh tế phát triển năng động, cơ sở hạ tầng hiện đại, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2024, GRDP của tỉnh đạt 140.500 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người 103,6 triệu đồng/năm, thu ngân sách trên 13.000 tỉ đồng - dẫn đầu toàn vùng Tây Nguyên.
Nông nghiệp công nghệ cao là điểm sáng với hơn 70.000ha sản xuất hiện đại, tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng như: Rau, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh... Chương trình nông thôn mới đạt kết quả ấn tượng: 106/106 xã đạt chuẩn, trong đó có 47 xã nâng cao và 23 xã kiểu mẫu. Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 6,25%.
Lâm Đồng ngày nay đang phát triển năng động và bền vững, khẳng định vai trò là cầu nối giữa Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ. Tỉnh đã sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu rộng và vươn tầm quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Hồng Thái, khẳng định: “Chúng tôi luôn cởi mở, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Lâm Đồng cam kết cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, với ba trụ cột kinh tế trọng tâm: Du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh”.
https://laodong.vn/thoi-su/tay-nguyen-but-pha-sau-50-nam-ngay-giai-phong-1499015.ldo
TRUNG TUẤN (BÁO LAO ĐỘNG)