TPHCM chuyển xe máy công nghệ sang điện, tài xế ủng hộ, nhưng còn nhiều trăn trở
TPHCM đang chuẩn bị một bước chuyển lớn trong lộ trình phát triển giao thông xanh là chuyển đổi toàn bộ xe máy của tài xế công nghệ và giao hàng sang xe điện.
Phần lớn xe hai bánh công nghệ ở TPHCM là xe xăng. Ảnh: Minh Quân
Ngày 17.5 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Vingroup để cập nhật tiến độ các đề án, cũng như tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh cùng Thành phố.
Trong đó, có chương trình chuyển đổi xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh ở TPHCM. Các đơn vị đã khảo sát thực địa, xác định nhu cầu triển khai, địa điểm nghỉ ngơi kết hợp với trạm sạc điện cho tài xế công nghệ.
Theo kế hoạch, trong tháng 6 tới, TPHCM sẽ hoàn thiện kế hoạch tổng thể nhằm chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy công nghệ sang xe điện, đồng thời tổ chức các tọa đàm với chuyên gia để tham vấn giải pháp triển khai.
Dự kiến đến tháng 7, chương trình và lộ trình thực hiện sẽ chính thức được công bố tại một hội thảo chuyên đề.
Hiện TPHCM là địa bàn hoạt động sôi động của nhiều nền tảng đa dịch vụ như Grab, be, Xanh SM, cùng các ứng dụng chuyên giao đồ ăn như ShopeeFood và các đơn vị logistics như J&T, Viettel Post, VNPost…
Trong số đó, Xanh SM hiện là nền tảng duy nhất đã triển khai toàn bộ xe điện cho tài xế. Các nền tảng còn lại vẫn để tài xế tự chọn loại xe chạy xăng hoặc điện.
Tài xế xe 2 bánh công nghệ giao hàng ở khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh: Minh Quân
Anh Nguyễn Văn Thịnh - tài xế beBike 3 năm nay - cho biết: “Tôi rất ủng hộ việc chuyển sang xe điện vì chi phí vận hành thấp hơn, không phải lo xăng tăng giá. Nhưng để mua một chiếc xe điện thì giá còn cao, tôi đang chạy chiếc xe số cũ, thu nhập cũng chỉ đủ trang trải mỗi ngày”.
Nỗi lo của anh Thịnh cũng là băn khoăn chung của nhiều tài xế khác. Chị Trần Thị Mai - đang giao hàng cho ShopeeFood - chia sẻ: “Xe điện thì tốt thật, nhưng sạc ở đâu? Giữa ngày chạy hàng, nếu hết điện thì biết làm sao? Hiện thành phố chưa có nhiều trạm sạc cho xe máy, chưa kể thời gian sạc lâu, mình mất khách thì ai bù?”.
TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng, việc TPHCM tiên phong chuyển đổi xe công nghệ sang điện là bước đi đúng và cần thiết.
“Đội ngũ xe công nghệ hai bánh đang chiếm tỉ trọng lớn trong hoạt động giao thông nội đô, phát thải cao và di chuyển liên tục. Nếu chuyển đổi thành công, sẽ tạo ra tác động tích cực lớn về môi trường và hình thành thói quen sử dụng phương tiện sạch” - ông Thắng nói.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhấn mạnh cần một lộ trình chuyển đổi rõ ràng, minh bạch, và quan trọng nhất là đồng hành cùng tài xế.
“Thành phố nên xem xét chính sách trợ giá hoặc cho vay ưu đãi khi mua xe điện, miễn phí hoặc giảm phí sạc trong giai đoạn đầu. Cần quy hoạch hệ thống trạm sạc phù hợp với vị trí hoạt động của tài xế, ví dụ gần khu dân cư, bãi xe, trạm trung chuyển hàng hóa” - ông Thắng nói.
Tài xế xe công nghệ giao hàng cho khách ở trung tâm TPHCM. Ảnh: Minh Quân
Ông Trần Lê Minh - đại diện một doanh nghiệp vận hành nền tảng giao hàng - cũng đề xuất: “Chúng tôi sẵn sàng phối hợp cùng chính quyền và các nhà cung cấp xe điện để triển khai mô hình đổi xe cũ lấy xe điện với giá ưu đãi, hoặc cho thuê dài hạn xe điện với điều kiện hợp lý. Quan trọng là cần sự cam kết từ nhiều bên”.
Tại buổi làm việc ngày 17.5, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - kiến nghị Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển giao thông xanh như hạn chế xe xăng, hướng tới ưu tiên xe điện từ nay đến năm 2030, hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện sử dụng điện, phát triển hệ thống trạm sạc điện…
Đồng thời, thí điểm khoanh vùng một số khu vực ở trung tâm để ưu tiên xe điện, phương tiện công cộng sử dụng điện hoạt động…
https://laodong.vn/moi-truong/tphcm-chuyen-xe-may-cong-nghe-sang-dien-tai-xe-ung-ho-nhung-con-nhieu-tran-tro-1509412.ldo
MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)