Thời sự
Cập nhật lúc 09:21 16/07/2024 (GMT+7)
Việt Nam có thể đối mặt với 5-6 cơn bão đổ bộ trực tiếp trong năm 2024

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ có vài trận bão đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Ảnh: Minh Đức
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Ảnh: Minh Đức

Dự báo tình hình thời tiết 6 tháng cuối năm

Chia sẻ tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn ngày 15.7, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm sẽ có vài trận bão đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam. Năm ngoái không có trận bão nào, nhưng năm nay dự kiến sẽ có từ 5 đến 6 cơn bão, thậm chí có thể xuất hiện những hình thái thời tiết cực đoan, đặc biệt là ở khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ".

Theo thứ trưởng, hiện tượng bất thường của thời tiết xảy ra tại nước ta trong năm nay có khả năng tuân theo quy luật của năm Giáp Thìn, thường đi kèm với các cơn bão lớn và lũ lụt, như đã từng xảy ra ở miền Trung cách đây 60 năm.

Tại cuộc họp, NNPTNT cho biết dự báo từ ngày 15.7-17.7, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ sẽ có mưa phổ biến từ 70 đến 150mm, cục bộ trên 250mm; đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến 50- 100mm, cục bộ trên 200mm.

Trên các sông từ Thanh Hóa - Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ trên các sông suối nhỏ, các sông thượng lưu ở mức báo động 1 (BĐ1), hạ lưu mức BĐ1; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị.

Phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự báo chính xác trong công tác phòng chống thiên tai. Ông cho biết, việc dự báo đúng về dài hạn và ngắn hạn sẽ đảm bảo hiệu quả của các biện pháp phòng chống trong suốt mùa mưa bão sắp tới.

Tuy nhiên, thực tế gần đây đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, với số người thiệt mạng lên đến 68 người, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều này là một vấn đề lớn cần phải được nhìn nhận và cải thiện trong công tác quản lý và phản ứng khẩn cấp.

Đồng thời, để đảm bảo an toàn và cung cấp đủ nước cho sản xuất, Thứ trưởng yêu cầu Hòa Bình và Sơn La điều tiết nước cao hơn. “Việc xả nước cần được thông báo rộng rãi, cụ thể cần thông báo trước 8 tiếng đối với các hồ nhỏ và 12 tiếng đối với các hồ lớn” - ông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Đức
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Đức

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Thủy lợi rà soát lại toàn bộ hệ thống để giảm thiểu sự chênh lệch nước giữa các khu vực và đảm bảo khả năng lưu giữ nước hợp lý trước và sau khi xảy ra lũ quét.

Sau vụ sạt lở nghiêm trọng ở Hà Giang, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chú ý đến các tuyến quốc lộ có nguy cơ cao như quốc lộ 34. Thứ trưởng khuyến cáo hạn chế giao thông ban đêm để giảm nguy cơ sạt lở và đề xuất cấm giao thông ban đêm nếu khu vực không đảm bảo an toàn.

Đồng thời Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương không chỉ sử dụng các phương tiện khoa học công nghệ tiên tiến để đưa ra các biện pháp cảnh báo mà còn khuyến cáo vận dụng các kinh nghiệm dân gian để dự đoán tình hình lũ quét.

https://laodong.vn/xa-hoi/viet-nam-co-the-doi-mat-voi-5-6-con-bao-do-bo-truc-tiep-trong-nam-2024-1366566.ldo

THANH THANH BÌNH (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: