Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tại Hội nghị tập huấn, đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tín dụng đen trong công nhân lao động diễn ra tại TP. Đà Nẵng ngày 25/5. Hội nghị có sự tham dự của đại diện 15 LĐLĐ tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
|
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn, đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tín dụng đen trong công nhân lao động. Ảnh: NGUYỄN LUẬN. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, vào tháng 10/2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty Tài Chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT); Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD SAISON) thuộc HDBank để triển khai gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc với mức lãi suất giảm đến 50% so với lãi suất hiện hành.
Sau khi ký kết, Tổng LĐLĐ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để các cấp công đoàn và các đơn vị có liên quan triển khai tốt gói vay đến công nhân lao động.
|
Đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: NGUYỄN LUẬN. |
“Đến thời điểm này đã 5 tháng triển khai. Báo cáo của Ban Quan hệ Lao động cho biết, đã giải ngân được hơn 5.000 tỷ đồng. Chủ yếu giải ngân vào cuối quý I vừa qua, số lao động đã tham gia vay là hơn 300.000 người.
Về mặt con số, chúng tôi thấy tương đối tốt. Tôi đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của tổ chức Công đoàn, của hai công ty FE CREDIT và HD SAISON.
Tuy nhiên, qua báo cáo của hai Công ty, chúng ta thấy rằng, chủ yếu người lao động tiếp cận trực tiếp với hai công ty để vay, còn sự vào cuộc các cấp công đoàn, sự hỗ trợ của các cấp công đoàn chiếm tỷ lệ chưa cao. Các cấp công đoàn cần quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để triển khai gói vay 20.000 tỷ đến công nhân lao động.
Tại Hội nghị hôm nay, LĐLĐ Việt Nam mong muốn nghe các trao đổi, đánh giá kết quả 6 tháng vừa qua; chỉ ra khó khăn, vướng mắc để cùng bàn bạc giải pháp tháo gỡ. Sau đó, chúng ta sẽ có báo cáo tổng quan nhất, để tới đây Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam có buổi làm việc với Chính phủ trước khi có buổi gặp gỡ, đối thoại công nhân lao động trên toàn quốc năm 2023 này”, đồng chí Phan Văn Anh nói.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá: "Mặt được sau thời gian triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng là sản phẩm và dịch vụ cơ bản phù hợp với đoàn viên, người lao động; phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Chương trình nâng cao lợi ích, phúc lợi của tổ chức Công đoàn".
Bên cạnh đó, đã đổi mới hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động; các địa phương bước đầu đã quan tâm, chỉ đạo triển khai tới công nhân lao động, góp phần từng bước giảm và đẩy lùi “tín dụng đen", đồng chí Trần Thị Thanh Hà cho biết thêm.
Trong phát biểu của mình, đồng chí Trưởng Ban Quan hệ lao động đã chỉ ra mặt hạn chế khi triển khai đó là công tác truyền thông, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa, về các sản phẩm, dịch vụ, các ưu đãi dành cho đoàn viên, người lao động chưa đồng bộ, bài bản.
Theo thống kê của đơn vị, còn 20/63 địa phương chưa triển khai; chỉ mới 28/63 địa phương ký kết biên bản ghi nhớ; 11/28 địa phương đã ký biên bản ghi nhớ nhưng chưa có văn bản chỉ đạo thực hiện.
Cũng theo đồng chí Trần Thị Thanh Hà, một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự ủng hộ tổ chức giới thiệu và tuyên truyền sản phẩm, dịch vụ đến với công nhân lao động.
Số doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động tham gia còn ít; tổng số tiền đã giải ngân mới đạt 26,72% tổng nguồn vốn.
|
Đồng chí Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NGUYỄN LUẬN. |
Góp tiếng nói tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hảo, Trưởng phòng Bán hàng trực tiếp khu vực Miền Trung FE CREDIT đã có những chia sẻ khó khăn đến lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và đại diện cho LĐLĐ các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị.
Theo ông Hảo, thứ nhất, Công ty đã gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và gặp gỡ công đoàn của các công ty và nhân sự các doanh nghiệp vì không có đầu mối trực tiếp. Công ty mong các LĐLĐ tỉnh, thành phố hãy là cầu nối giới thiệu Công ty để triển khai thông tin gói vay ưu đãi cho công nhân lao động.
Khó khăn thứ hai ông Hảo nêu ra tại Hội nghị là khi Công ty đến làm việc, các quản lý doanh nghiệp nói chưa biết chương trình triển khai gói vay ưu đãi cho công nhân lao động. Ông Hảo bày tỏ mong muốn, các LĐLĐ tỉnh, thành có giấy giới thiệu công tác để công ty dễ tiếp cận, làm việc, qua đó triển khai gói vay được nhanh hơn.
Ngoài ý kiến của ông Hảo, Hội nghị cũng đã nghe chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng đến công nhân lao động của đại diện các LĐLĐ tỉnh, thành tham dự để triển khai có hiệu quả tốt nhất trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã có 43 LĐLĐ tỉnh, thành phố triển khai ký kết biên bản ghi nhớ hoặc ban hành văn bản triển khai gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc.
Số tiền giải ngân đạt 5.345 tỷ đồng; số đoàn viên, người lao động vay là 319.207 người. Bình quân mỗi đoàn viên, người lao động sử dụng sản phẩm, dịch vụ với giá trị 16.750.000 đồng.