Dự tập huấn có chủ tịch, phó chủ tịch LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành; trưởng, phó ban, chuyên viên các đơn vị trực thuộc LĐLĐ tỉnh và nhân sự phụ trách thỏa ước lao động tập thể ở công đoàn các cấp.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam làm báo cáo viên lớp tập huấn.
Trong thời gian 1 ngày, lớp tập huấn tập trung hệ thống lại những quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể; quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam về đánh giá, phân loại thỏa ước lao động tập thể; cách thức xác định, xây dựng nội dung, các bước tiến hành thương lượng tập thể hiệu quả.
Bên cạnh củng cố kiến thức, lớp học dành nhiều thời gian cho học viên thảo luận, tổ chức thực hành một thỏa ước lao động tập thể kiểu mẫu. Theo đó, chất lượng bản thỏa ước lao động tập thể được thể hiện qua các nội dung sau: Việc làm, đảm bảo việc làm; thời gian làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca; tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, nâng lương; quy định đối với lao động nữ; phúc lợi; hoạt động công đoàn…
Ông Hà Duy Trung, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định phát biểu: “Công đoàn trước nay thực hiện khá tốt chức năng chăm lo đời sống đoàn viên, công nhân, lao động. Tuy nhiên vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động thì chưa đáp ứng yêu cầu. Chọn tập huấn nội dung này, LĐLĐ tỉnh nhằm tới mục tiêu thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn các cấp, trước mắt, ở tình huống thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể”. Ông Trung yêu cầu, sau tập huấn, việc thương lượng, ký thỏa ước tập thể phải đảm bảo “3 tăng”: Tăng số lượng, tăng chất lượng và tăng hiệu quả giám sát.
Năm 2023, trên địa bàn Bình Định có 293/411 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở đủ điều kiện tổ chức hội nghị người lao động (đạt tỉ lệ 71,3%, tăng 3,6% so với năm 2022); 364 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở tổ chức 414 cuộc đối thoại; 315/507 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể (đạt tỉ lệ 62,1%), trong đó, có 31 thỏa ước ký mới.