Thỏa ước lao động tập thể phải thực chất và được thực thi
Đó là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mại tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) khóa XII vừa qua.
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ VN, 6 tháng đầu năm 2019, các cấp công đoàn đã thương lượng, ký kết mới 1.020 bản thỏa ước lao động tập thể, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết lên 29.896 bản.
Việc thí điểm thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp, ký kết thỏa ước lao động tâp thể tại doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn tiếp tục có những chuyển biến tích cực tạo cơ sở pháp lý quan trọng để người sử dụng lao động và đại diện tập thể NLĐ cam kết thực hiện tốt các nội dung được thương lượng, góp phần hạn chế tranh chấp lao động.
.JPG)
Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp ngành may huyện Văn Lâm, Hưng Yên
Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng hoàn tất thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp doanh nghiêp điện tử Hàn Quốc tại khu công nghiệp Tràng Duệ, tăng số lượng các doanh nghiệp tham gia lên 19, trong đó 19/19 doanh nghiệp đều chưa có TƯLĐTT cấp doanh nghiệp, 7 doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở. LĐLĐ tỉnh Bình Dương ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm 16 doanh nghiệp chế biến gỗ. LĐLĐ tỉnh Hưng Yên ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm 5 doanh nghiệp may trên địa bàn huyện Văn Lâm. Một số công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh đại diện cho tập thể người lao động ở doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật …
Cùng với đó, các cấp công đoàn đã nỗ lực và có trách nhiệm để pháp luật có liên quan đến người lao động được thực thi tốt. Nhiều hội thảo, hội nghị, các cuộc tiếp xúc được công đoàn tổ chức để thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi; đồng thời chủ động triển khai các hoạt động chuẩn bị cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về lao động và công đoàn. Hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên, người lao động được duy trì. Tổng Liên đoàn tổ chức lễ ra mắt phần mềm tư vấn pháp luật trực tuyến Công đoàn Việt Nam cho đoàn viên và người lao động, đã tiếp nhận và trả lời 60.371 câu hỏi của đoàn viên, người lao động. Hệ thống các Trung tâm và Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn đã tư vấn 13.129 vụ cho 36.398 lượt đoàn viên, người lao động; tham gia đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa án 739 vụ cho 1.013 người lao động; đại diện khởi kiện tại Tòa án 19 vụ tranh chấp lao động cá nhân, 02 vụ tranh chấp lao động tập thể cho 1.019 người lao động với tổng số tiền bồi thường hơn 1,9 tỷ đồng.
Tiếp tục phát huy vai trò đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, tổ chức Công đoàn tích cực đàm phán, thương lượng với đại diện người sử dụng lao động, thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%.
Các cấp công đoàn cử cán bộ nắm cơ sở, kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh về những diễn biến mới phát sinh trong tình hình công nhân, viên chức, lao động; đẩy mạnh tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chế độ chính sách đối với người lao động nhất là tại các doanh nghiệp đang chờ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn. Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết việc tạm ứng ngân sách của tỉnh để trả lương cho người lao động của công ty TNHH S&N - KCN Thuận Thành từ năm 2017 và việc mở thủ tục phá sản của công ty TNHH Yestech ViNa - KCN Quế Võ để có kinh phí trả lương cho người lao động năm 2018.

Ký kết thỏa thuận giữa LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc với Bưu điện tỉnh. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc
Thực hiện chủ đề năm “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn", các cấp công đoàn cả nước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đa dạng chăm lo lợi ích thiết thực, thiết thân với người lao động. Các cấp công đoàn tích cực tìm kiếm, đàm phán với các đối tác, ký kết 262 thỏa thuận hợp tác mới (đạt 52,4% chỉ tiêu của năm 2019); đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các thỏa thuận mới đến đoàn viên, người lao động; tạo điều kiện thuận lợi để 1.313.208 lượt đoàn viên, công nhân, lao động tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi của đối tác với tổng số tiền là hơn 63,959 tỷ đồng, qua đó thiết thực chăm lo, cải thiện đời sống đoàn viên, góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa người đoàn viên với tổ chức Công đoàn, thu hút nhiều hơn người lao động tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn.
Các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động có ý nghĩa sâu sắc, tham mưu, đề xuất các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay, góp sức chăm lo Tết cho 4.605.280 lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền trên 3.024 tỷ đồng.
Chương trình “Mái ấm công đoàn” đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 2.081 nhà giúp đoàn viên, người lao động ổn định cuộc sống. Hoạt động xã hội hướng tới chăm lo đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, hoạt động cho vay vốn từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quỹ trợ vốn cho công nhân, lao động được quan tâm duy trì thường xuyên, góp phần san sẻ, hỗ trợ kịp thời người lao động vượt qua khó khăn, có thêm động lực, niềm tin trong cuộc sống. Tổ chức Tài chính Vi mô CEP đã hỗ trợ cho 153.785 lượt đoàn viên, người lao động vay vốn để tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập với tổng số tiền phát vay 3.301 tỷ đồng (riêng địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 81.475 lượt người được tiếp cận vốn vay với tổng số tiền 1889 tỷ đồng). Các cấp công đoàn tỉnh An Giang: tổ chức thăm hỏi, trợ cấp ốm đau cho gần 4.300 lượt đoàn viên, người lao động với số tiền trên 01 tỷ đồng. Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức và người lao động nghèo Bà Rịa – Vũng Tàu đã hỗ trợ, giải quyết cho 3.845 lượt đoàn viên, người lao động vay với tổng số tiền hơn 52 tỷ đồng. Công đoàn Cao su Việt Nam: trao 8 công trình Ánh sáng Công đoàn với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng.

Đồng chí Trương Thị Mai, UVBCT, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 2, BCH Tổng LĐLĐ VN
Ghi nhận nỗ lực và kết quả đạt được của tổ chức Công đoàn Việt Nam những năm qua, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2019, trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ VN khóa XII, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng Công đoàn Việt Nam đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đem lợi ích đến với đoàn viên công đoàn. Trong thời gian tới, với những thời cơ, thách thức mới, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tổ chức Công đoàn tiếp tục đảm nhận tốt vai trò là người đại diện bảo vệ chăm lo lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động để “Sau năm 2023, Công đoàn Việt Nam phải là tổ chức được lựa chọn đầu tiên của người lao động”. Trong đó, tập trung phải thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt là đảm bảo thực thi pháp luật; đại diện ký kết được thỏa ước lao động tập thể thực chất và được thực thi với các điều khoản cao hơn luật và hỗ trợ người lao động trong tranh chấp lao động.
N.Tú