Trang chủChuyên đềCông tác nữ công, giới
Công tác nữ công, giới
Cập nhật lúc 08:46 26/04/2020 (GMT+7)
Bình đẳng giới tại Việt Nam: Còn nhiều khoảng trống

Những đóng góp của phụ nữ không chỉ tạo ra một xã hội tiến bộ, văn minh mà còn phát triển chính bản thân người phụ nữ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa vai trò và vị thế xã hội của phụ nữ. Vì vậy, để tạo ra sự cân bằng giữa vị trí và vai trò của phụ nữ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giới và vấn đề bình đẳng giới.

Ngày 25.9.2015, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua lộ trình hướng tới phát triển bền vững đến năm 2030. Trong Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững đến năm 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ được công nhận là một phương tiện quan trọng giúp thúc đẩy phát triển bền vững thông qua một mục tiêu phát triển độc lập (SDG5) cũng như các vấn đề giới được lồng ghép trong các mục tiêu còn lại.

 

Vị thế lao động nữ còn thấp

Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10.5.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững xác định rõ, trao quyền cho phụ nữ là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững nhằm thay đổi tiến trình của thế kỷ XXI và giải quyết những thách thức chính như đói nghèo, bất bình đẳng, bạo lực đối với phụ nữ. Thế nhưng, trên thực tế vấn đề lương thưởng, phúc lợi, cơ hội cho phụ nữ thăng tiến vẫn còn nhiều trường hợp thấp hơn rất nhiều so với nam giới. Mặc dù có trình độ ngang nhau, phụ nữ vẫn thu nhập thấp hơn nam giới. Có nhiều phụ nữ làm các công việc không chính thức và dễ bị tổn thương hơn nam giới; đồng thời họ cũng ít được tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội. Đặc biệt, phụ nữ chỉ chiếm thiểu số trong mọi cấp hoạch định chính sách trong đời sống chính trị, kinh tế và xã

Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động là 71,2%; nhưng vị thế công việc của phụ nữ còn thấp, trong đó 52,1% thuộc lao động đơn giản và 66,6% là lao động gia đình. Vì thế thu thập bình quân của phụ nữ là 5,22 triệu đồng/tháng, bằng 81,1% mức thu nhập bình quân của nam giới (5,92 triệu đồng/tháng). Không chỉ vậy, sự chênh lệch này đang ngày càng mở rộng ở nhóm lao động có trình độ, rõ nét nhất ở cấp độ chưa qua đào tạo thu nhập của lao động nữ thấp hơn so với lao động nam cùng trình độ là 8,1%, nhưng nếu ở nhóm trình độ đại học trở lên thì mức chênh lệch này tới 19,7%.

Từ thực tiễn triển khai pháp luật về bình đẳng giới, các chuyên gia pháp lý cho rằng, các chính sách về giới của nước ta đã được ban hành nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hiện nay, vẫn tồn tại sự kỳ thị trong đánh giá khả năng, đào tạo và đề bạt phụ nữ trong nhiều cơ quan, tổ chức. Các chính sách được ban hành chưa thực sự phù hợp với sự khác biệt về giới giữa nam và nữ. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp chưa đem lại sự công bằng thực sự cho phụ nữ. Trên thực tế, phụ nữ có vai trò to lớn, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng xã hội chưa thực sự quan tâm đến phụ nữ, địa vị xã hội của họ, vì thế cũng còn nhiều mặt chưa tương xứng với vai trò to lớn của họ.


Hướng tới bình đẳng giới thực chất

Tăng cường giám sát thực thi chính sách

Đánh giá việc triển khai chính sách về bình đẳng giới, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, dù đã có nhiều chính sách được ban hành, trong đó có Luật về Bình đẳng giới (ban hành năm 2006 và có hiệu lực từ 1.7.2007) nhưng việc triển khai Luật chưa hiệu quả. Nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc trên là do Luật Bình đẳng giới mang tính lồng ghép, cần có sự phối hợp cao và chặt chẽ giữa các bên liên quan. Do đó, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Không hiếm các quy định trong Luật Bình đẳng giới còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tế, một số quy định hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành; chưa có sự thống nhất giữa Luật Bình đẳng giới và các luật chuyên ngành. Việc thực hiện quy định lồng ghép giới đạt kết quả chưa cao; việc thực hiện còn hình thức, chất lượng chưa cao, thiếu các thông tin số liệu để phân tách giới. Trong khi đó, tư tưởng định kiến giới còn khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức. Còn đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới thiếu về số lượng, chủ yếu là kiêm nhiệm, hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới, thiếu các chuyên gia có kiến thức, kỹ năng lồng ghép giới trong các ngành chuyên môn…

Để có thể tiến tới mục tiêu bình đẳng giới, nhiều chuyên gia kiến nghị, bên cạnh việc sửa đổi Luật Bình đẳng giới thì cần phải xác lập hệ thống chỉ tiêu giới rõ ràng, không chung chung để phấn đấu. Chẳng hạn, nếu một nam và một nữ cùng có trình độ ngang nhau ở cơ quan, tổ chức thì phải tính đến con đường đi đến thành công của họ có khác biệt giới để ứng xử công bằng. Cùng với đó, việc giám sát các kế hoạch có tính đến giới và thực thi luật pháp về giới phải làm thường xuyên, hiệu quả và hiệu quả đó phải đo được từ thực tế. Trong đó chính quyền, cơ quan chức năng, người dân phải kịp thời có các giải pháp chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, bạo lực và buôn bán người. Đồng tình với những đề xuất trên, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến kiến nghị, Quốc hội tăng cường các hoạt động thẩm tra, giám sát việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh. Bảo đảm được vấn đề giới, bình đẳng giới phải được lồng ghép ngay từ trong dự thảo. Tuy nhiên, cũng cần thấy thực tế là việc thực hiện bình đẳng và công bằng giới cần sự đồng bộ giữa nhiều giải pháp từ pháp luật đến đạo đức để xóa dần khoảng cách giới. Như vậy, bên cạnh các giải pháp trên, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân tại cộng đồng.

Theo Thái Yến/Báo Đại biểu nhân dân
In
Về đầu
Lượt truy cập: