Một dự án nhà ở xã hội tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Phạm Đông
Nhà ở xã hội được quan tâm nhất
Cuộc gặp gỡ tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh - mong đoàn viên, người lao động coi mình là bạn để nói chuyện. “Giữa đoàn viên, người lao động với Chủ tịch tỉnh phải thật sự gần gũi mới nói lên được tiếng nói của công nhân, của người lao động, tránh hình thức. Các bạn cần gì trong trách nhiệm, quyền hạn của tỉnh có thể giải đáp và ngược lại để không mất đi ý nghĩa của đối thoại, trao qua đổi lại” - ông Tuân nói.
Chia sẻ cùng lãnh đạo tỉnh, hàng chục ý kiến được đoàn viên, người lao động trao đổi trực tiếp, trong đó, nóng nhất vẫn là những chính sách liên quan đến nhà ở cho ĐV, NLĐ.
Chị Nguyễn Thị Bích Phương, đoàn viên đến từ huyện Vạn Ninh quan tâm về thông tin quy hoạch, dự án cụ thể về nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân đang được triển khai trên địa bàn tỉnh và các chính sách ưu đãi để ĐV, NLĐ thu nhập thấp có thể tiếp cận. Đối với NƠXH ở Khu công nghiệp Suối Dầu, đoàn viên cho rằng, đã có triển khai từ lâu nhưng chỉ dừng lại ở khảo sát nhu cầu, mong có những thông tin về giá, vay vốn, hình thức mua, thuê. Đoàn viên cũng đề nghị lãnh đạo địa phương quan tâm nhóm lao động lớn tuổi độc thân vì theo quy định mới, trên 45 tuổi nếu thu nhập quá 15 triệu đồng thì không thuộc đối tượng mua NƠXH...
Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, hiện nay tất cả quy hoạch phải để dành 20% đất làm NƠXH. Trong giai đoạn từ 2021-2025 toàn tỉnh đã có 3.340 căn đưa ra thị trường, cuối năm sẽ có thêm 1.000 căn. Tuy nhiên các dự án NƠXH hiện đều tập trung ở đô thị lớn Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa. Những khu NƠXH gắn với khu công nghiệp, phục vụ công nhân thì còn hạn chế từ nhà đầu tư đến các dự án.
Ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ thêm, sắp tới lao động từ Ninh Thuận ra công tác và hình thành các cụm công nghiệp mới, khối lượng NƠXH và nhà ở cho công nhân sẽ rất lớn. Tỉnh đang tìm kiếm và tiếp tục sử dụng tối đa quỹ đất còn lại trên địa bàn để hình thành các khu NƠXH kịp thời, cung cấp cho NLĐ khi Khánh Hòa, Ninh Thuận sáp nhập. Đây là một trong những nội dung mà Đảng ủy, UBND tỉnh đang khẩn trương tính toán. Hôm nay Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết về chính sách đặc thù cho NƠXH sẽ có hiệu lực căn cứ vào đó tỉnh cũng sẽ khẩn trương triển khai để thụ hưởng được những chính sách này.
Nhà ở xã hội làm nóng nghị trường
Cùng thời điểm cuộc gặp gỡ ở Khánh Hòa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, việc xây dựng Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hiện nay.
Nghị quyết nhằm tạo cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, Nghị quyết có tác động kép giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa bất động sản, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.
Đáng lưu ý, dự thảo Nghị quyết đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia. Theo đó, Quỹ Nhà ở Quốc gia là Quỹ Tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương.
Quỹ được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác. Quỹ thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.
Công nhân, người lao động kỳ vọng khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội thì việc có một chốn “an cư” sẽ không phải là điều quá xa vời.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cả nước mới có 103 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 66.755 căn; mới đạt khoảng 15,6% mục tiêu của Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban Quản lý Dự án Thiết chế Công đoàn, Tổng LĐLĐVN - cho biết: Đến nay, Tổng LĐLĐVN đã triển khai thành công Khu thiết chế Công đoàn Hà Nam (KCN Đồng Văn 2, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Trong Khu thiết chế, ngoài 244 căn nhà ở xã hội còn có quần thể khu văn hóa, thể thao dành cho người lao động và công nhân. Các căn hộ tại khu nhà ở xã hội luôn được lấp đầy, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt của công nhân, người lao động.
Dự kiến, cuối tháng 7.2025, Tổng LĐLĐVN sẽ khởi công dự án nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động thuê bằng nguồn tài chính công đoàn tại Tiền Giang. Quy mô dự án tại Tiền Giang là 512 căn hộ nhà ở xã hội, tổng mức đầu tư khoảng 400 tỉ đồng.
Các Khu thiết chế Công đoàn tại Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang cũng đang trong quá trình triển khai. Hiện nay, các dự án đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đang trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc khởi công được kỳ vọng diễn ra vào tháng 12 năm nay.
Lâm Trần
Sáp nhập tỉnh, đề xuất người có nhà riêng cách nơi làm việc hơn 30km được mua nhà ở xã hội
Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (trình Quốc hội ngày 20.5) đề xuất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại, căn cứ vào phạm vi đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án (trước thời điểm sắp xếp lại) để xác định điều kiện về nhà ở đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.
Nếu người được hưởng chính sách có địa điểm làm việc cách xa nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình, điều kiện về nhà ở để được mua, thuê mua nhà ở xã hội gần địa điểm làm việc là chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình.
Trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình, khoảng cách ngắn nhất từ nơi có nhà ở thuộc sở hữu của mình đến địa điểm làm việc phải từ 30km trở lên.
Chủ đầu tư tự quyết giá bán/thuê nhà ở xã hội
Chính sách về giá bán/thuê nhà ở xã hội trong dự thảo nghị quyết cũng đáng chú ý. Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư xây dựng phương án giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội bảo đảm nguyên tắc quy định (đáp ứng tỉ lệ lợi nhuận cứng theo quy định) và trình cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết việc thẩm định giá nhà ở xã hội gặp khó khăn do chưa xác định chính xác các chi phí: Đầu tư xây dựng nhà ở và hạ tầng (nếu có); tổ chức bán hàng; quản lý doanh nghiệp. Các chi phí này chỉ rõ ràng sau khi hoàn thành dự án, nên khi thẩm định (thời điểm nhà đủ điều kiện bán), chỉ là dự toán, gây khó khăn cho việc xác định giá chính xác và lợi nhuận nhà đầu tư (10% tổng vốn).
Từ đó dự thảo nghị quyết đề xuất căn cứ phương pháp xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội và lợi nhuận định mức theo quy định của pháp luật về nhà ở, chủ đầu tư tự xây dựng, thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực về hoạt động xây dựng để thẩm tra trước khi chủ đầu tư phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Việc xác định giá bán, giá thuê mua được thực hiện đối với một hoặc một số công trình của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo giai đoạn thực hiện hoặc theo phân kỳ đầu tư, từng dự án thành phần hoặc toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ thực hiện tổng thể dự án.
Hoài An ghi
https://laodong.vn/cong-doan/chinh-sach-dac-thu-phat-trien-nha-o-xa-hoi-ky-vong-tu-nghi-truong-quoc-hoi-1510204.ldo