Lao động nông thôn ở Bình Định. Ảnh: Hoài Phương
Kế hoạch đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp, đặc biệt chú trọng đến kỹ năng thực hành, giúp đội ngũ nông dân trở nên chuyên nghiệp, có kiến thức, tay nghề, trở thành lực lượng nòng cốt trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn.
Đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm sau đào tạo, nhằm tăng thu nhập cho người lao động, giảm nghèo bền vững, chuyển dịch cơ cấu lao động và góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Kế hoạch cũng hướng đến đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang lĩnh vực nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
Trong năm 2025, tỉnh Bình Định sẽ tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và các khóa đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng) cho khoảng 2.000 lao động nông thôn, với tổng kinh phí dự kiến 6,7 tỉ đồng.
Đối tượng tham gia là lao động nông thôn có nhu cầu học nghề nông nghiệp. Trong đó, tỉnh ưu tiên: Lao động tham gia vùng nguyên liệu; lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác theo quy định hiện hành.
Địa phương sẽ tập trung đào tạo nhằm đáp ứng các tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nội dung đào tạo hướng đến hình thành lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng với sản xuất nông nghiệp thông minh, sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao và an toàn sinh học.
Người lao động sẽ được trang bị kỹ năng quản lý, quản trị marketing, tài chính và xây dựng phương án sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Việc tổ chức đào tạo được thực hiện theo danh mục ngành nghề, chương trình khung, định mức chi phí và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các nghề trình độ sơ cấp và các khóa dạy nghề dưới 3 tháng, do UBND tỉnh Bình Định ban hành.
https://laodong.vn/cong-doan/binh-dinh-se-chi-gan-7-ti-de-nang-cap-tay-nghe-cho-2000-lao-dong-nong-thon-1509936.ldo