Nhiều người khó khăn khi tìm việc làm do không có tay nghề, bằng cấp. Ảnh: Quỳnh Chi
Tìm việc phổ thông cũng không dễ dàng
Anh Nguyễn Văn Hà sinh năm 1997, quê ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Học hết lớp 12, anh Hà xuống Hà Nội làm bảo vệ cho công trường xây dựng do người họ hàng làm công nhân tại chính công trường này giới thiệu.
Lao động tìm cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi
Làm bảo vệ được gần 2 năm, xong dự án, nhóm thợ xây theo cai thầu đi làm công trình khác, anh Hà “bơ vơ” vì không được đi theo. Mất nửa tháng lang thang ở ngoại thành, anh được nhận làm bảo vệ cho một công trình xây dựng ở quận Hà Đông (Hà Nội). Sau 8 tháng, anh Hà lại hết việc do công trình đã xong.
“Biết không thể đeo bám công việc này, tôi tìm đến các công ty bảo vệ chuyên nghiệp xin làm. Điều khiến tôi sốc nhất là cũng công việc ấy, nếu tự tôi liên hệ thì lương được khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở. Nếu qua công ty, lương chỉ còn 5,5 – 5,7 triệu đồng/tháng. Tôi bỏ cuộc”, anh Hà nói.
Tính đến nay, anh Hà đã có 12 năm sống ở Hà Nội, làm qua hàng chục công ty và chủ yếu ở những vị trí thấp nhất như nhân viên bảo vệ, nhân viên kho, thậm chí là nhân viên trông giữ bãi xe cho nhà hàng.
Sáng 20.5, anh Hà đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tìm việc từ sớm. Đã là lần thứ 3, anh Hà thành thạo các bước tìm việc dành cho người lao động. Anh vào tham khảo thông tin việc làm trên cổng thông tin việc làm quốc gia và cổng thông tin của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc.
Cầm theo hồ sơ đầy đủ, anh Hà hy vọng cán bộ trung tâm sẽ kết nối cho một công ty phù hợp. Ngoài sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khỏe, photo căn cước công dân, bằng tốt nghiệp cấp 3, phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu, anh Hà không có những “hạng mục” khác như văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ…
“Tự tay tôi đưa hồ sơ mà cũng cảm thấy thiếu tự tin vì hồ sơ của mình mỏng quá. Đương nhiên những lao động phổ thông khác cũng như vậy. Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3 tôi đến trung tâm tìm việc. Dù là tìm công việc phổ thông cũng không dễ dàng gì, vì nhiều công việc đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai; làm một thời gian sẽ cảm thấy khó theo được”, anh Hà nói.
Cơ hội hẹp với lao động có trình độ thấp
Sáng 20.5, anh Hà về nhà với lời hẹn “chờ kết nối” vì chưa có thông tin phù hợp với yêu cầu của anh. Trong khi chờ đợi, anh Hà tiếp tục chạy xe ôm công nghệ.
Nhiều lao động sau thời gian làm việc tự do muốn xin việc làm ổn định nhưng gặp nhiều khó khăn vì không có bằng cấp. Ảnh: Hương Nha
“Gần 30 tuổi, 12 năm ở Hà Nội, tôi gần như trắng tay vì công việc bấp bênh, không tích lũy, không vợ con. Nếu về quê thời điểm này tôi cũng chưa hình dung sẽ làm gì dù bố mẹ thấy tôi vật vờ, không có tương lai cũng đã giục giã mấy lần. Tôi khất lần sẽ thu xếp hết năm nay, nếu không ổn thì về quê trồng vải thiều và mấy sào lạc”, anh Hà buồn bã nói.
Không chỉ anh Hà, nhiều lao động không có bằng cấp, tay nghề đang gặp rất nhiều khó khăn, sống vật vã ở thành phố vì việc làm không đảm bảo thu nhập, hoặc bị sa thải khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hoặc nếu có việc làm thì chỉ là những công việc bấp bênh, không bền vững.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đa phần lao động mất việc khi doanh nghiệp cắt giảm nhân sự hoặc gặp khó khăn là lao động có trình độ tay nghề thấp. “Để họ quay trở lại thị trường lao động, ngoài các chính sách hỗ trợ, thì vấn đề cần quan tâm lớn nhất hiện nay là đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng. Tuy nhiên, qua theo dõi thời gian dài chúng tôi nhận thấy, dù được tư vấn nhưng đa số người lao động khi mất việc chỉ đến trung tâm nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc nộp hồ sơ xin việc mới chứ không mặn mà lựa chọn học nghề, nâng cao tay nghề”, ông Thành nói.
TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) nhận định, thách thức lớn nhất hiện nay với thị trường lao động là khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn yếu khi thông tin thị trường lao động hạn chế. Đồng thời, kỹ năng và trình độ của người lao động không đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tại phiên, lao động phổ thông có 768 chỉ tiêu tuyển dụng nhưng mức lương đều ở mức dưới 10 triệu đồng/tháng. Có 830 chỉ tiêu cho thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, chiếm 49.,91% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đáng chú ý, đây là mức thu nhập chủ yếu dành cho các chỉ tiêu du học, xuất khẩu lao động hoặc vị trí quản lý ở các công ty, doanh nghiệp; một số vị trí tuyển dụng tay nghề như kỹ sư, trình độ đại học.
https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-vat-va-tim-viec-lam-o-thanh-pho-1509833.ldo