Ban tổ chức buổi giao lưu tặng hoa các chuyên gia giải đáp thắc mắc về chế độ BHXH, lương hưu, ATVSLĐ cho người lao động. Ảnh: Hà Anh
Ngày 17.5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công thương Hà Nội tổ chức buổi đối thoại trực tiếp - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2025 với chủ đề: "Những điểm mới về BHXH và an toàn vệ sinh lao động".
Buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Những điểm mới về BHXH và an toàn vệ sinh lao động" là cơ hội quý để các cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) có thể cập nhật, trang bị những kiến thức hữu ích liên quan đến chế độ tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động cần thiết cho bản thân trong quá trình triển khai công việc, tham gia quan hệ lao động.
Tham dự buổi đối thoại, giao lưu có gần 300 cán bộ công đoàn, CNVCLĐ ngành Công thương Hà Nội. Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, CNVCLĐ có TS. Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn, Chi Hội Luật gia Tổng LĐLĐ Việt Nam; TS. Đỗ Thị Lan Chi - Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khoẻ nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn; Luật sư Đặng Văn Thành - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết, BHXH và an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không chỉ là những chế độ hỗ trợ mà còn là nền tảng đảm bảo đời sống, sức khỏe, sự ổn định và phát triển bền vững của người lao động.
Những điểm sửa đổi và bổ sung trong chính sách BHXH hiện nay đang hướng đến mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia, nâng cao quyền lợi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn để người lao động tiếp cận các chế độ. Đây là bước tiến nhằm giúp công nhân, người lao động yên tâm cống hiến, có sự bảo vệ dài lâu, nhất là trong các tình huống khó khăn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hay nghỉ hưu.
Các quy định mới về an toàn lao động tập trung vào việc nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn, cải thiện điều kiện làm việc và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo môi trường lao động an toàn, lành mạnh.
Song, để các chính sách này thực sự đi vào thực tiễn, không chỉ cần sự tuân thủ từ phía các cơ quan quản lý và doanh nghiệp mà còn cần sự chủ động của người lao động trong việc bảo vệ chính mình.
“Cuộc đối thoại hôm nay là dịp để CNVCLĐ trực tiếp đặt câu hỏi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách này. Mỗi ý kiến không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân mà còn giúp hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cộng đồng người lao động có một môi trường làm việc an toàn, công bằng và vững bền hơn”, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh.
Người lao động tham gia giao lưu tại buổi đối thoại. Ảnh: Hà Anh
Tại buổi giao lưu, anh Trần Công Hoàn thắc mắc là tại sao lại có cách tính lương hưu khác nhau giữa khu vực công và khối doanh nghiệp?
TS. Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn, Chi Hội Luật gia Tổng LĐLĐVN giải đáp, chế độ hưu trí là một trong những chính sách an sinh xã hội dành cho người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay có sự khác biệt trong cách tính lương hưu giữa khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp, xuất phát từ đặc điểm của từng khu vực.
Cụ thể, ở khu vực nhà nước, lương cơ bản thường tăng theo thâm niên và hệ số. Trong khi đó, ở khu vực doanh nghiệp, tiền lương chủ yếu được tính theo năng suất và hiệu quả lao động. Do đó, nếu lương hưu được tính dựa trên một số năm cuối cùng của thời gian làm việc, thì có thể có người sẽ được lợi, nhưng cũng có nhiều người khác sẽ thiệt hơn, nhất là khi thu nhập thực tế không ổn định.
Đối với người lao động làm việc theo bảng lương nhà nước, cách tính lương hưu phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH. Cụ thể như sau:
- Trước năm 1995: Tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Từ năm 1995 đến hết 2000: Bình quân của 6 năm cuối.
- Từ năm 2001 đến hết 2006: Bình quân của 8 năm cuối.
- Từ năm 2007 đến hết 2015: Bình quân của 10 năm cuối.
- Từ năm 2016 đến hết 2019: Bình quân của 15 năm cuối.
- Từ năm 2020 đến hết 2024: Bình quân của 20 năm cuối.
- Từ năm 2025 trở đi: Tính bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH.
Đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp tư nhân, cách tính lương hưu cũng sẽ tương tự kể từ năm 2025, tức là tính theo bình quân toàn bộ thời gian tham gia BHXH.
“Theo đó, qua các lần sửa đổi luật, có thể thấy xu hướng chung là tiến tới việc đồng bộ giữa khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước về cách thức đóng và hưởng BHXH, nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch và bền vững cho hệ thống an sinh xã hội…” - ông Khoa chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Bình - Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô tặng quà người lao động tham gia trả lời câu hỏi phần giao lưu tại chương trình. Ảnh: Hà Anh
https://laodong.vn/cong-doan/cach-tinh-luong-huu-khac-nhau-giua-khu-vuc-cong-va-khoi-doanh-nghiep-1508407.ldo