Các đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4.5.2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW". Ảnh: Quế Chi
Sáng 18.5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30.4.2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4.5.2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự hội nghị. Cùng dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại đầu cầu Đảng ủy Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - chủ trì.
Tham dự có các Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Phan Văn Anh, Nguyễn Xuân Hùng; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng Liên đoàn; các đồng chí đảng ủy viên, chi ủy viên các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng ủy Tổng Liên đoàn tại khu vực Hà Nội; các đồng chí cán bộ các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng ủy Tổng Liên đoàn; các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn tại khu vực Hà Nội; toàn thể đảng viên tại cơ quan Tổng Liên đoàn và Công đoàn Viên chức Việt Nam.
Theo chương trình, tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4.5.2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW".
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30.4.2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW".
Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ có phát biểu quan trọng chỉ đạo hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa sẽ có phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện 2 Nghị quyết quan trọng nói trên.
Tại Nghị quyết số 66-NQ/TW, Bộ Chính trị nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong đó, Nghị quyết 66-NQ/TW nêu rõ yêu cầu đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.
Công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự cân đối, hợp lý giữa mức độ hạn chế quyền với lợi ích chính đáng đạt được...
Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị yêu cầu cải cách thể chế, bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh của kinh tế tư nhân. Trong đó, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật theo cơ chế thị trường, giảm can thiệp hành chính, cơ chế “xin - cho”. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.
Đồng thời, hoàn thiện pháp luật, xóa bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, chi phí thấp. Minh bạch hóa, số hóa, tự động hóa thủ tục hành chính. Đến năm 2025, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, 30% chi phí tuân thủ, 30% điều kiện kinh doanh. Phấn đấu đến 2028, môi trường kinh doanh thuộc top 3 ASEAN, top 30 thế giới...
https://laodong.vn/cong-doan/dang-uy-tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-quan-triet-hai-nghi-quyet-cua-bo-chinh-tri-1508559.ldo