Hội thảo thu hút, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn
Sáng 25.11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam”. Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Trần Thanh Hải chủ trì hội thảo.
Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Trần Thanh Hải chủ trì hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn
Tham dự hội thảo có đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn, đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn của Tổng Liên đoàn, đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành, các công đoàn ngành.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Trần Thanh Hải nêu vấn đề, như các hội thảo trước, đồng chí Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn sẽ trình bày ngắn gọn, tóm lược các nội dung của hội thảo hôm nay, tôi sẽ điều hành giải quyết từng vấn đề một.
“Với các vấn đề cấp thiết, các đồng chí có lưu ý, dự báo xu hướng và có giải pháp để góp sức cùng Tổng Liên đoàn kiến giải những vấn đề đang đặt ra” - Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Đồng chí Dương Văn Sao, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu tại hội thảo.
Tham luận với nội dung “Giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn phù hợp với biến đổi cơ cấu lao động, nhu cầu người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế trong nhiệm kỳ tới”, đồng chí Dương Văn Sao, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn nêu kiến nghị, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu đưa ra những giải pháp thiết thực hiệu quả giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa chính sách khuyến khích phát triển sản xuất với các chính sách đảm bảo và an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách đảm bảo xã hội cho công nhân lao động khu vực ngoài nhà nước nhằm hạn chế những vi phạm quyền lợi của người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, điều kiện sống cho người lao động. Để quan hệ lao động khu vực này từng bước lành mạnh, hạn chế những mầm mống xung đột giữa công nhân lao động với giới chủ.
Quan tâm nghiên cứu từng bước giao cho công đoàn đảm nhận những hoạt động nhằm phát huy quyền dân chủ của người lao động trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động của các cơ quan Nhà nước góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng, chăm lo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ.
Cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định tạo điều kiện về pháp lý, tài chính, văn phòng, các công cụ, phương tiện khác để công đoàn làm việc có hiệu quả... giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay ngày càng tăng về số lượng và tỷ lệ trong cơ cấu dân số, lao động, Nhà nước cần có quy định tăng tỷ lệ cán bộ công đoàn có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức tham gia vào các cơ quan lập pháp để công đoàn đại diện cho CNVCLĐ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật.
Toàn cảnh hội thảo.
Bàn về giải pháp thu hút, tập hợp người lao động, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp vào Công đoàn Việt Nam khi xuất hiện các tổ chức này trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Duy Phúc - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, Bộ LĐTBXH nêu các giải pháp như, coi việc đấu tranh với người sử dụng lao động để tăng lương, giảm giờ làm cho người lao động là mục tiêu số một của các tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, công đoàn các khu công nghiệp và công đoàn ngành. Tăng cường mối quan hệ giữa công đoàn cấp trên cơ sở với các cơ quan quản lý nhà nước, các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động trong hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong tranh chấp lao động cá nhân và tập thể.
Đảm bảo bảo trong thực tiễn việc cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tham gia trực tiếp vào các quá trình đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể. Đây là vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của cán bộ công đoàn cấp trên. Đồng thời, không để cán bộ quản lý doanh nghiệp tham gia vào các tổ chức công đoàn cơ sở mà thành viên chủ yếu là những người lao động bình thường, không giữ chức vụ quản lý.
Tập trung làm tốt việc tham gia với người sử dụng lao động để xây dựng quy chế dân chủ theo các quy định mới của Bộ luật Lao động. Mục đích là phát huy thực chất vai trò đại diện của Công đoàn cơ sở trong đối thoại tại nơi làm việc. Trong đó, đặc biệt là phát huy vai trò công đoàn cơ sở trong đại diện đối thoại theo 7 vụ việc quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 63 của Bộ luật Lao động. Đây là những nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người lao động.
Cần đào tạo một đội ngũ chuyên gia có khả năng phân tích định mức lao động và phân tích chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để công đoàn phát huy ưu thế trong đấu tranh với người sử dụng lao động nhằm tăng lương, giảm giờ làm, đồng thời là lợi thế để thu hút và tập hợp người lao động.
Tập trung và sử dụng tối ưu các nguồn lực hiện nay (cả về tài chính và các mối quan hệ) để hỗ trợ người lao động tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội, ổn định cuộc sống tại các địa phương thu hút nhiều lao động nhập cư, như: liên kết giới thiệu đoàn. Kể cả trong trường hợp công đoàn cơ sở không có quyền đại diện thương lượng tập thể...
Đồng chí Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại hội thảo.
Nhật Quang