Kiên định mục tiêu tăng trưởng
Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức 8% dù đối mặt nhiều thách thức trong và ngoài nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với cộng đồng doanh nghiệp với chủ đề “Hợp tác công-tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư tổ chức tại Hà Nội ngày 17.4.2025. Ảnh: TTXVN
Xác định “bộ tứ chiến lược”
Mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I năm nay là 6,93%, đây cũng là mức tăng trưởng quý I cao nhất của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. Đặt trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng và quyết tâm không thay đổi mục tiêu của năm nay là đạt từ 8% trở lên.
Tại Nghị quyết số 77/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên. Trong đó, các bộ, ngành xây dựng kịch bản ứng phó với các biến động quốc tế, nhất là chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Bộ Tài chính sớm đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan; trình dự thảo về gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 1.7.2025 đến hết năm 2026.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện "bộ tứ chiến lược", bao gồm đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; phát triển khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Trên cơ sở đó, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược theo hướng hoàn thiện thể chế pháp luật, hạ tầng thông suốt, phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia thông minh.
Trước mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tiếp theo cho từng ngành, từng lĩnh vực, phân bổ cho các địa phương và cho các khu vực. Tính chung, Bộ Tài chính xây dựng quý II đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 8,3%, lần lượt quý III, quý IV là 8,3% và 8,4%.
Khai thác hiệu quả các FTA
Tại lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, với nhiều điểm mới, thể hiện tinh thần đột phá; trong đó xác định hội nhập quốc tế là "hình thức, trình độ phát triển cao của hợp tác quốc tế", là động lực quan trọng giữ vững cục diện hòa bình, ổn định, tranh thủ điều kiện, nguồn lực bên ngoài cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của quốc gia, thể hiện trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Hội nhập không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng, hội nhập có rất nhiều khó khăn, rất nhiều chông gai, phải nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên thì mới có thể hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ". Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, Việt Nam xác định phải hội nhập để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, song "không chấp nhận hội nhập bằng mọi cách, không ỷ lại, không phụ thuộc vào bất cứ một đối tác nào" mà phải trên cơ sở hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. "Chúng ta không bỏ qua bất cứ sự giúp đỡ nào, cũng không lợi dụng và không làm tổn thương ai; tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại" - Thủ tướng Chính phủ nói.
Theo Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam xác định hội nhập kinh tế quốc tế - đặc biệt là thông qua các FTA là một cánh cửa quan trọng kết nối Việt Nam với thế giới, đưa nền kinh tế tiến gần hơn tới các chuẩn toàn cầu. Việc khai thác hiệu quả các FTA là con đường quan trọng để duy trì tăng trưởng và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Kết hợp sức mạnh nội sinh
Phát triển kinh tế phải gắn với giáo dục quyền con người, về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, mọi người dân đều được sống trong môi trường hòa bình với độc lập chủ quyền được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; mọi người dân đều được hưởng quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, tự do sáng tạo và bình đẳng trước pháp luật. Theo Thủ tướng Chính phủ, quyền con người tại Việt Nam gồm các nội hàm quan trọng về quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền bình đẳng, gồm: Thứ nhất, được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; thứ hai, được tự do hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật để bảo vệ, phát huy tối đa lợi ích chính đáng của cá nhân mình và đóng góp lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội; thứ ba, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngày càng tăng theo từng năm; thứ tư, bảo đảm bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Một trong những minh chứng cảm động nhất chính là chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát mà Chính phủ đang dồn lực thực hiện. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hàng trăm nghìn hộ dân đã có một mái nhà vững chãi - một cuộc sống ấm cúng, đầy đủ hơn. “Không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu, mà đang trở thành hiện thực sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người dân thấy được sự chở che, thấy mình được quan tâm, được yêu thương. Và có lẽ, đó là hình ảnh giản dị mà rõ ràng nhất của nghĩa đồng bào trong thời hiện đại.
Hành trình ấy không chỉ là của Nhà nước, mà là của tất cả chúng ta - những công dân bình thường, sống trên mảnh đất hình chữ S thân thương này. Chúng ta mỗi người một phần việc, một hoàn cảnh, một đóng góp nhỏ bé, nhưng nếu ai cũng làm tốt phần mình, thì đất nước chắc chắn sẽ mạnh lên.
https://laodong.vn/thoi-su/kien-dinh-muc-tieu-tang-truong-1499627.ldo
ĐÔNG VƯƠNG (BÁO LAO ĐỘNG)