Việt Nam đang định vị là điểm đến cạnh tranh cho đầu tư nước ngoài ở Đông Nam Á
Trong những tháng đầu năm 2025, truyền thông và các tổ chức quốc tế nhận định tích cực, lạc quan về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.
Standard Chartered đánh giá, triển vọng kinh tế Việt Nam được thúc đẩy nhờ sự hội nhập mạnh mẽ vào mạng lưới thương mại toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do, cùng với dòng vốn FDI. Ảnh: TTXVN
Trong tháng 4.2025, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 là 6,7%. Standard Chartered đánh giá, triển vọng kinh tế Việt Nam được thúc đẩy nhờ sự hội nhập mạnh mẽ vào mạng lưới thương mại toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do, cùng với dòng vốn FDI. Nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng tăng trưởng lần lượt là 6% và 6,2%.
Cũng theo truyền thông quốc tế, kinh tế Việt Nam đang phục hồi và phát triển: Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt gần 11 tỉ USD vào đầu năm 2025 phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư về sự ổn định kinh tế và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam.
Khi Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam sẵn sàng thu hút thêm vốn quốc tế, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Với những xu hướng tích cực này, có vẻ như Việt Nam không chỉ đang phục hồi sau những thách thức kinh tế trong quá khứ, mà còn đang định vị mình là điểm đến cạnh tranh cho đầu tư nước ngoài tại khu vực Đông Nam Á. Các nhà đầu tư ngày càng nhận ra những cơ hội có sẵn tại Việt Nam, dẫn đến tăng trưởng bền vững trong những năm tới.
Trước đó, ngày 10.4, tờ báo cánh tả lớn nhất Cộng hòa Czech Nase Pravda đăng bài xã luận với tiêu đề “Quan hệ Cộng hòa Czech - Việt Nam: Những điểm nhấn về kinh tế và ngoại giao".
Bài viết nhận định sự kiện nâng cấp quan hệ Czech - Việt Nam sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Czech khi đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này, bởi kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2025.
Bài báo nêu rõ mặc dù bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động tiêu cực nhưng trong năm 2024, Việt Nam đã đạt được những thành công to lớn cả về kinh tế, xã hội và ngoại giao.
Bất chấp bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới và khu vực, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi đáng kể, tăng trưởng kinh tế ước đạt hơn 7%, cao hơn 2 lần mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Tờ báo đánh giá, sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 sẽ tạo cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Năm 2025, Quốc hội Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 6,5%-7%, trong khi Chính phủ xác định mục tiêu vượt 8%, một con số đáng mong ước đối với nhiều quốc gia khác.
Bài viết cho rằng trong một năm thế giới đầy biến động, Việt Nam không những vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng ngưỡng mộ, mà dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vị thế của đất nước ngày càng được nâng tầm ở khu vực và thế giới.
Cũng trong tháng 4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% vào năm 2026, sau khi đạt mức tăng 7,1% trong năm 2024.
Nhận định này được ADB đưa ra trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) công bố ngày 9.4.
Các chuyên gia của ADB dự báo lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2025, nhờ gia tăng du lịch trong nước và quốc tế cũng như các ngành công nghiệp công nghệ.
Trong 2 tháng đầu năm đã có gần 4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các biện pháp cấp thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá du lịch và sự công nhận của quốc tế đã thúc đẩy mức tăng trưởng này.
Cũng theo chuyên gia ADB, nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng vững chắc ở mức 3,2% trong năm 2025.
https://laodong.vn/thoi-su/viet-nam-dang-dinh-vi-la-diem-den-canh-tranh-cho-dau-tu-nuoc-ngoai-o-dong-nam-a-1499620.ldo
THANH HÀ (BÁO LAO ĐỘNG)