
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Khánh Hoà thăm và hỗ trợ gia đình đoàn viên bị tai nạn lao động trong Tháng Công nhân. Ảnh: Phương Linh
Khó khăn chồng chất sau tai nạn lao động
Theo Sở LĐTBXH Khánh Hòa, trong năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 38 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 43 người bị nạn bao gồm cả đối tượng có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Trong đó có 17 người chết và 12 người bị thương nặng.
Thẫn thờ nhìn di ảnh của chồng, chị Lê Thị Kim (trú xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, Khánh Hòa) vợ anh Châu Thanh Liêm - đoàn viên CĐCS Công ty Cổ phẩn Đầu tư Champagroup không khỏi xót xa. Gần 2 tháng trước, anh Liêm mất trên đường đi làm, mọi gánh nặng gia đình chị đứng ra gánh vác.
Chị Kim chia sẻ: “Trước hai vợ chồng cùng làm ngành du lịch, dịch bệnh nên tôi phải nghỉ việc từ đó đến nay. Anh Liêm là bếp phó nên thu nhập lo chuyện học hành của hai con đang học lớp 8 và lớp 1. Nay anh mất, công ty tạo điều kiện để tôi đi làm tại công ty chồng nhưng mức lương 5 triệu đồng/tháng khá chật vật. Nhưng đau lòng hơn là tôi không thể bù đắp được mất mát, thiệt thòi cho hai con”.
Với gia đình anh Võ Phúc Hưng - công nhân Công ty TNHH T&H Nha Trang - nỗi đau còn nặng nề hơn. Ngày 18.4, anh Hưng vào ca làm việc thì nổ bình áp lực khiến anh Hưng tử vong tại chỗ. Bố mẹ không có việc làm ổn định, là con trai lớn và trụ cột kinh tế của gia đình nuôi hai em ăn học. Vụ tai nạn lao động không chỉ cướp đi sinh mạng của nam thanh niên tuổi đời còn rất trẻ mà còn để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình.
Ông Võ Nguyễn Sanh (56 tuổi) - bố đoàn viên Võ Phúc Hưng - cho biết: “Vụ tai nạn lao động không chỉ tôi mất con mà nỗi đau này còn kéo mãi. Giờ hai vợ chồng lớn tuổi không làm được gì nhiều chỉ bán hàng quán nhỏ sống qua ngày. Mong các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến an toàn lao động để không có những hoàn cảnh như gia đình tôi”.
Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn
Theo Sở LĐTBXH Khánh Hòa: Các lĩnh vực, công việc để xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất: Thi công công trình xây dựng, cơ khí, chế biến, bảo quản thủy sản, khai thác sản xuất sản phẩm từ gỗ. Đặc biệt, TNLĐ thuộc lĩnh vực thi công xây dựng các công trình chiếm 53% với 8 vụ TNLĐ, làm chết 9 người.
Hiện nay, điều kiện làm việc trong các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ). Nhiều chủ sử dụng lao động chưa thực hiện tốt việc đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về ATLĐ và chưa làm tốt công tác tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và thực hiện biện pháp loại trừ dẫn đến nhiều vụ TNLĐ. Nhiều vụ TNLĐ do lỗi người sử dụng lao động không xây dựng, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho NLĐ về nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Qua thanh kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thi công xây dựng tại các công trình, dự án trên địa bàn Khánh Hòa thời gian qua cho thấy, nguyên nhân các vụ TNLĐ trên các công trình xây dựng chủ yếu do rơi, ngã từ trên cao, điện giật, đổ sập, vùi lấp. Nguy cơ chủ yếu có thể dẫn đến TNLĐ là chưa có đầy đủ bao che, biển cảnh báo nguy hiểm ở các rìa sàn tầng, hố thang máy, không thực hiện đấu nối trung tính vò kim, dây điện để trực tiếp trên sàn, không lắp lưới chống vật rơi...
Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Khánh Hòa - cho biết: Hàng năm Sở LĐTBXH tỉnh trực tiếp tổ chức mở 10 lớp tuyên truyền phổ biến về ATVSLĐ cho khoảng 1.500 lao động, mở 5 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho 350 người sử dụng lao động, người lao động làm công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp...
Trong Tháng Hành động vệ sinh an toàn lao động năm 2023, công tác truyên truyền về ATVSLĐ được các cấp đẩy mạnh thông qua hình thức nhắn tin qua các thuê bao di động, treo băng rôn, tổ chức lớp tập huấn. Tổ chức hội nghị đối thoại giữa Hội đồng ATVSLĐ tỉnh với người sử dụng lao động, người lao động để lắng nghe và nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến công tác ATVSLĐ.
|