Ông Nguyễn Văn Thiên và bà Nguyễn Thị Liễu kể chuyện giữ Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức trong ngày 30.4.1975.
"Không ai được phá hỏng nhà máy, vì nó là nguồn sáng cần thiết của nhân dân"
Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, khi không khí kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang rộn ràng, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Thiên, tự Hai Nhứt (năm nay 91 tuổi, nguyên là nhân viên Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, phục vụ cung cấp điện cho toàn Thành phố Sài Gòn khi đó) và bà Nguyễn Thị Liễu (năm nay 84 tuổi) ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TPHCM.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông bà còn khá minh mẫn. Khi kể lại sự kiện giữ Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức trong ngày 30.4.1975 lịch sử, ông Thiên vui hẳn lên, như bừng sống lại những ngày sôi động khi đó. Ông Thiên kể, trước năm 1965, ông theo học tại Trường tập nghề Hỏa xa, đóng tại Chí Hòa (nay là khu vực Quận 3, TPHCM). Trường này đào tạo con cái những người làm công nhân trong nhà máy điện hồi đó.
Năm 1965, ông bắt đầu về làm nhân viên tại Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức. Đến năm 1972, ông được ông Lê Khắc Bình - một cán bộ cách mạng hoạt động nội thành - tiếp cận và giao nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cho các đồng nghiệp và xây dựng cơ sở cách mạng trong nhà máy với mục đích khi cần thiết thì bảo vệ, chiếm giữ nhà máy. Ông Thiên đã tuyên truyền, vận động được 5 công nhân khác đồng ý tham gia tổ chức với mình.
Ông Thiên nhớ lại: “Khoảng 19h ngày 29.4.1975, ông Hà Văn Thông - kỹ sư trưởng toán điều hành Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức - mời cả toán gồm 12 người, trong đó có 3 người ở trong tổ chức công vận, được mời đến phòng kiểm soát ở tầng 2 họp. Ông Thông thông báo: Tôi rất buồn vì cấp trên bảo tôi nói với anh em, nếu tình thế đến lúc nguy kịch, không còn cứu vãn được nữa, nhà máy được lệnh phải phá hủy những bộ phận quan trọng và chúng ta sẽ được trực thăng đến đón trên nóc sân thượng nhà máy”.
Ngay lúc đó, ông Thiên đã đứng phắt lên, nét mặt nghiêm khắc, nhìn thẳng vào kỹ sư Thông và tuyên bố dứt khoát: “Tôi, Nguyễn Văn Thiên, hôm nay thừa hành lệnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, không cho phép bất cứ ai được phá hỏng nhà máy, vì nó là nguồn sáng cần thiết của nhân dân. Nếu ai phá nhà máy, sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”.
Ông Thiên kể tiếp, "kể từ lúc đó, tôi cùng các anh em trong tổ công vận tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, đề phòng có sự phá hoại nhà máy và cũng đề phòng sẽ bị kẻ địch bắt đem đi. Biết chắc ông Thông sẽ báo cáo với ông Nguyễn Văn Hóa - quyền Giám đốc Nhà máy - lúc bấy giờ, nên sáng 30/4, khoảng 6h30 phút, khi ông Hóa vừa đến nơi, tôi đi thẳng vào phòng ông Hóa để nhắc lại câu đã nói với ông Thông tối hôm trước. Điều bất ngờ là ông Hóa không phản ứng gì và chỉ nói ngắn gọn: “Anh cứ yên tâm”.
“Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng, cả ông Thông, ông Hóa chắc chắn là đều có cảm tình với cách mạng, nếu không thì họ đã chỉ đạo phá những bộ phận quan trọng của nhà máy và báo với lực lượng cảnh sát khi đó vẫn còn canh giữ ngoài nhà máy để bắt chúng tôi” - ông Thiên nói.
Sau đó, ông Thiên cùng với các thành viên tổ công vận huy động anh em công nhân trong nhà máy lấy sơn, băng vải có sẵn để vẽ thành cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam treo trên cột cờ của nhà máy. Một lúc sau, xe tăng quân Giải phóng đã đi qua cầu Rạch Chiếc gần nhà máy để tiến vào giải phóng Sài Gòn. Nhiệm vụ giữ gìn sự an toàn của nhà máy, cung cấp đủ nguồn điện cho cả thành phố hoạt động bình thường của chúng tôi đã hoàn thành”.
Bí mật giấu cờ của cách mạng trong nhà máy nước
Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1958, nguyên là cán bộ kỹ thuật của Nhà máy nước Thủ Đức, thuộc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn) vẫn tự hào kể câu chuyện cha mình đã làm vào những ngày cuối tháng 4.1975 tại nhà máy.
Ông Nguyễn Văn Hòa (bên phải) kể chuyện về cha mình là ông Nguyễn Văn Muốn đã bí mật giấu và cắm cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Nhà máy nước Thủ Đức sáng ngày 30.4.1975, góp phần bảo vệ được nhà máy. Ảnh: Đức Long
Ông Hòa kể, "bố tôi (ông Nguyễn Văn Muốn, sinh năm 1918, đã mất năm 2001), đã làm việc tại Nhà máy nước Thủ Đức từ lúc nhà máy này đang được xây dựng. Sau khi nhà máy được khánh thành (năm 1966) và đi vào hoạt động, ông Muốn làm trong đội tu bổ của Nhà máy nước Thủ Đức. Do tính chất quan trọng của Nhà máy nước Thủ Đức, nên lúc nào cũng có một đại đội bảo an bảo vệ nhà máy.
Được giác ngộ cách mạng và tham gia tổ chức công vận, những ngày cuối tháng 4.1975, ông Muốn và một người em của ông được giao nhiệm vụ may cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và bí mật đem vào nhà máy cất giấu để dành lúc cần thiết thì sẽ cắm cờ trong nhà máy.
Khi đó, các cán bộ công vận đã vận động nhiều công nhân lấy lý do tình hình hỗn loạn ở ngoài nên xin được đưa cả gia đình vào trong nhà máy ở để vừa làm việc vừa để bảo đảm an toàn cho gia đình. Mục đích thực sự là để ở hẳn bên trong, tiện cho việc bảo vệ nhà máy khi cần thiết. May mắn, do phó giám đốc nhà máy khi đó cũng có cảm tình với cách mạng, nên đã đồng ý với đề xuất này.
Ngày 28, 29.4.1975, không hiểu sao có rất nhiều xe tăng, bọc thép của quân đội Sài Gòn khi đó về đậu ở gần cổng Nhà máy nước Thủ Đức. Sáng sớm 30.4.1975, ông Muốn cùng một nhóm công nhân nòng cốt đã bí mật treo được cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được giấu trong nhà máy từ trước đó trên nóc Nhà máy nước Thủ Đức.
Sau đó, các công nhân cùng phao tin Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã vào được nhà máy, khiến nhóm lính bảo an đang gác ở đây phải bỏ đi vì sợ nguy hiểm. Thấy nhóm bảo an bỏ đi, các lính lái xe tăng phía ngoài cũng bỏ đi theo. Nhờ đó, nhà máy nước cũng được giữ an toàn, đảm bảo cung cấp nước cho Thành phố Sài Gòn khi đó.
Sau ngày 30.4.1975, ông Muốn được bầu làm Thư ký Công đoàn với nhiệm vụ chủ yếu là chăm lo cho đời sống của CNVCLĐ của nhà máy. Đến năm 1985 ông Hòa nối nghiệp cha mình, tiếp tục vào làm việc và cống hiến cho ngành cấp nước của TPHCM đến năm 2008 ông nghỉ hưu về sống tại TP Thủ Đức.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-giu-vung-nha-may-dien-nuoc-trong-nhung-ngay-giai-phong-1499199.ldo