Anh Hậu thường xuyên đọc Báo Lao Động để cập nhật, tìm kiếm thông tin. Ảnh: Minh Hương
Làm tốt hơn vai trò của người cán bộ công đoàn
Anh Phạm Tiến Đạt (34 tuổi) - Chủ tịch Công đoàn tại một công ty may mặc ở Thái Bình chia sẻ, nhờ Báo Lao Động, anh đã có thêm động lực để làm tốt hơn vai trò của người cán bộ Công đoàn.
“Theo dõi Báo Lao Động thường xuyên, tôi đã ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân với người lao động. Bên cạnh những đóng góp ý kiến về giờ giấc, công việc, chế độ, lương thưởng, tôi đã tham mưu lãnh đạo công ty quyết liệt hơn trong vấn đề thay đổi bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho công nhân” - anh Đạt cho hay.
Theo anh Đạt, trước đây bữa ăn của người lao động khá đạm bạc. Đọc nhiều thông tin về bữa ăn ca cho người lao động ở khắp mọi miền được đăng tải trên báo, vị cán bộ công đoàn cơ sở đề xuất công ty nên thay đổi bữa ăn theo suất và nhiều món hơn để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Sau hơn 1 tháng, công ty quyết định thay đổi sang ăn cơm khay với 2 món thức ăn, 1 món canh. Thi thoảng, công nhân còn được công ty bổ sung thêm trái cây hoặc chè mát giải nhiệt mùa hè.
Anh Đạt cho biết, anh cũng thường xuyên đọc tin tức về lương, thưởng và các bài viết chăm lo cho người lao động trên Báo Lao Động. Đây chính là tiền đề để anh phát động thêm nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ người lao động đang làm việc tại công ty.
“Trước đây, công ty tôi chỉ có phong trào "lá lành đùm lá rách" khi có trường hợp người lao động gặp tai nạn. Từ khi tham khảo các bài viết trên Báo Lao Động, tôi kiến nghị công ty và Liên đoàn Lao động địa phương hỗ trợ thêm các trường hợp công nhân có con học giỏi, cha mẹ là người có công hoặc hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, tri ân người lao động gắn bó lâu năm…” - anh Đạt kể lại.
Nam cán bộ cho hay, nhờ có Báo Lao Động, anh đã làm tốt hơn vai trò của mình, được người lao động gửi gắm tâm tư nguyện vọng.
Kênh thông tin hữu ích
Báo Lao Động cũng đóng vai trò là kênh cập nhật các kiến thức hữu ích về bảo hiểm xã hội và các chế độ, quyền lợi dành cho người lao động.
Anh Đặng Văn Hậu - công nhân may mặc (34 tuổi, Nam Định) chia sẻ, 2 năm qua, anh bắt đầu truy cập thường xuyên Báo Lao Động để đọc bài. Trong đó, chuyên mục Công đoàn được anh quan tâm nhiều nhất.
“Nhờ có Báo Lao Động, tôi mới biết lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội nhiều như thế nào, nhất là các quyền lợi sau này về hưu. Vì thế, sau khi rút bảo hiểm xã hội một lần, tôi đã lập tức quay trở lại công ty làm việc để được tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội sớm” - anh Hậu cho hay.
Không ngừng đổi mới
Trong suốt chiều dài lịch sử gần 100 năm, Báo Lao Động là cơ quan báo chí không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa. Trên trang laodong.vn, nội dung được thực hiện đa dạng, từ video, infographic, emagazine đến hình ảnh hiện thực.
Là một bạn đọc trung thành của Báo Lao Động từ năm 2019 đến nay, nữ công nhân trẻ Đoàn Thị Thảo (sinh năm 1995, quê Tuyên Quang) cho biết, chưa bao giờ chị thấy những thước phim chân thực, sinh động phản ánh về đời sống công nhân như ở Báo Lao Động.
Nữ công nhân Đoàn Thị Thảo trong phòng trọ gần Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Minh Hương
"Công nhân ăn gì, công nhân thuê trọ ra sao, công nhân tăng ca thế nào đến những mong mỏi tăng lương, trợ cấp cũng được phóng viên của Báo phản ánh qua những video. Qua đó, nhiều người sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống của đời công nhân, tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi cũng được bày tỏ đến tổ chức Công đoàn, Nhà nước để có giải pháp cho cuộc sống tốt hơn" - chị Thảo cho hay.
Dù là người trẻ, song chị Thảo nhận định, Báo Lao Động đã không ngừng đổi mới trong bối cảnh số hóa. Nữ công nhân tin tưởng, Báo luôn là nơi tiên phong, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào các tác phẩm báo chí, là tờ báo số 1 bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Đồng hành cùng người lao động bị "bỏ rơi"
Trong suốt dòng chảy của Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Lao Động đã có rất nhiều bài phản ánh về tình trạng người lao động bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội khiến cuộc sống chới với. Cũng vì thế, Báo liên tục có nhiều tuyến bài, góp phần đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng trăm người lao động. Trong đó có thể kể đến loạt bài về thủ đoạn lừa đảo đi Canada lao động ở Hà Nội, loạt bài về Công ty Cổ phần BKAV nợ lương người lao động, hay Bất thường giá phí dịch vụ và giá nhà ở xã hội Tập đoàn Dabaco...
https://laodong.vn/cong-doan/phia-sau-nhung-dong-tin-bao-ve-quyen-loi-nguoi-lao-dong-1498674.ldo