Trang chủChuyên đềHoạt động đối ngoại
Hoạt động đối ngoại
Cập nhật lúc 03:10 04/05/2023 (GMT+7)
Hội thảo Quốc gia về Việc làm xanh và chuyển đổi công bằng trong ngành hóa chất tại Việt Nam

Ngày 4.5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khai mạc Hội thảo Quốc gia về Việc làm xanh và chuyển đổi công bằng trong ngành hóa chất tại Việt Nam. Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ILO.

Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn (giữa) chủ trì Hội thảo. Ảnh: B.Đ.N

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của các ông Nguyễn Đức Thịnh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Ingrid Christensen - Giám đốc Văn phòng ILO tại Hà Nội; ông Pong-Sul AHN  - chuyên gia khu vực về Đào tạo Người lao động, Văn phòng ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng khoảng 50 đại biểu đến từ công đoàn ngành và LĐLĐ các tỉnh, thành phố có thành viên hoạt động trong ngành hóa chất tại Việt Nam; công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp sản xuất ngành hoá chất; đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; đại diện người sử dụng lao động tại 2 doanh nghiệp thí điểm…

Ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm ở Việt Nam là một ngành kinh tế quan trọng. Tỉ trọng sản lượng quốc gia của ngành lên tới 11% và sử dụng khoảng 2% lực lượng lao động. Tỉ lệ lao động nữ làm việc trong ngành hóa chất đã giảm từ 33% xuống 30,2% trong giai đoạn 2010-2015. Ngành công nghiệp hóa chất có tác động môi trường tương đối cao, thông qua việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát thải khí nhà kính và tạo ra chất gây ô nhiễm, đặc biệt là qua đường nước thải.

Vì vậy, để nâng cao năng lực của tổ chức Công đoàn trong ngành này, ILO đã khởi động một số hoạt động thúc đẩy chuyển đổi công bằng thông qua nâng cao năng lực cho tổ chức Công đoàn trong ngành hóa chất (và dược phẩm) tại Việt Nam, Malaysia. Hoạt động này triển khai thông qua quan hệ đối tác với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian từ tháng 2.2022 – tháng 5.2023.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: B.Đ.N

Hoạt động nhằm nâng cao kiến thức cho đoàn viên công đoàn trong ngành về “Hướng dẫn của ILO về chuyển đổi công bằng hướng tới nền kinh tế và xã hội bền vững với môi trường cho tất cả mọi người”; thúc đẩy đối thoại xã hội ở cấp doanh nghiệp để áp dụng Hướng dẫn và thực hiện thí điểm tại các doanh nghiệp được chọn; thiết lập một cơ chế hợp tác ở cấp cộng đồng với sự tham gia của đại diện từ các tổ chức Công đoàn, người sử dụng lao động, đại diện chính phủ, viện nghiên cứu, cộng đồng và nhóm hành động vì môi trường.

Trong thời gian từ ngày 04-05.5, Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung: Kết quả của các hoạt động với bài học kinh nghiệm, kết quả và những khó khăn thách thức; chia sẻ kiến thức về chính sách và chiến lược quốc gia về Chuyển đổi công bằng - Vai trò của Công đoàn; vai trò của Công đoàn trong việc thúc đẩy Việc làm xanh và chuyển đổi công bằng; Vai trò của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong thúc đẩy Việc làm xanh và chuyển đổi công bằng; chia sẻ kiến thức về các công cụ của ILO về an toàn vệ sinh lao động và điều kiện làm việc tại Việt Nam.

Một trong những nội dung Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là vận động đoàn viên và công nhân viên chức lao động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí thải nhà kính; phát động và thực hiện các cuộc vận động  “Lối sống xanh”, “Xanh hóa sản xuất” và phong trào 3T: Tiết kiệm - Tái chế - Tái sử dụng…

Mục tiêu của Hội thảo là đánh giá kết quả dự án (bao gồm các hoạt động, sản phẩm, thí điểm và các công cụ truyền thông…); trình bày các bài học kinh nghiệm và ý kiến phản hồi từ các tổ chức Công đoàn tham gia (Công đoàn Công Thương Việt Nam và các công đoàn cơ sở) về kinh nghiệm của họ; thảo luận về các chiến lược và kế hoạch hành động và hợp tác trong tương lai giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam/Công đoàn Công Thương Việt Nam và ILO để tiếp tục sự tham gia của Công đoàn và vận động thực hiện Hướng dẫn chuyển đổi công bằng của ILO, từ đó đóng góp xây dựng môi trường, xã hội và nơi làm việc an toàn, an ninh và bền vững.

PV

In
Về đầu
Lượt truy cập: