Trang chủCông nhân 360Lao động năm châu
Lao động năm châu
Cập nhật lúc 09:42 16/05/2020 (GMT+7)
Cái chết thầm lặng của công nhân ở Ấn Độ

Mỗi buổi sáng, các nhóm người ngồi xổm trên vỉa hè trên đường phố Delhi, chờ một chiếc xe tải đến đón và đưa đến một công trường xây dựng. Họ mang theo túi dụng cụ. Quần áo sờn bạc màu, da cháy sạm và khuôn mặt mệt mỏi, cam chịu. Công nhân xây dựng ở thủ đô Ấn Độ xây các tòa nhà với giá khoảng 500 rupee (7 đô la Mỹ) mỗi ngày. Nếu chủ xây dựng có trình xây dựng, họ sẽ leo lên xe tải trong ngày. Nếu không, họ phải thử vận ​​may vào một ngày khác.

Những người tìm việc làm trong ngày phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã: xây dựng là ngành nguy hiểm nhất ở Ấn Độ, trung bình 38 vụ tai nạn chết người mỗi ngày. Ngã từ trên cao, điện giật và tường và giàn giáo sập tại các công trường thường xuyên dình dập công nhân xây dựng tại Ấn Độ. Theo một nghiên cứu của Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), một trong những cơ sở nghiên cứu học thuật uy tín nhất nước, khoảng 48.000 người chết tại nơi làm việc ở Ấn Độ mỗi năm.

Tin tức về tai nạn tại nơi làm việc xuất hiện mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông địa phương. Mười lăm thợ mỏ được chôn cất bên trong một mỏ than bất hợp pháp sau một trận lụt. Một vụ nổ trong một xưởng vật liệu làm chết 13 người. Một tòa nhà đang xây dựng sụp đổ và bảy công nhân chết. Hai người dọn dẹp cống chết vì ngạt khói khi bức tường của đường hầm nơi họ đang làm việc sập. Dường như là sự việc thường ngày diễn ra đến mức chúng chỉ thu hút sự chú ý khi các số liệu người chết lên tới mức thảm họa (chẳng hạn, thảm họa Bhopal năm 1984 trong một vụ rò rỉ khí đốt nổ, dẫn đến cái chết của 25.000 người).

Theo Apoorva Kaiwar, thư ký Công đoàn Công nghiệp toàn cầu vùng Nam Á, việc thiếu hồ sơ chính thức khiến xác định số người chết thực sự rất khó khăn vì nhiều vụ tai nạn không được báo cáo. “Nếu một người bị thương và chết 15 ngày sau đó tại bệnh viện hoặc tại nhà, rất khó để chứng minh mối liên hệ giữa vụ tai nạn với cái chết của người này vì người này được báo cáo là “bị thương”. Thời gian càng trôi qua, càng khó thiết lập trách nhiệm. Nếu chết 20 năm sau vì hít phải hóa chất độc hại trong một nhà máy công nghiệp, không ai phải chịu trách nhiệm cả”, Apoorva cho biết.

Giáo sư Kumar Neeraj Jha, một kỹ sư Viện IIT Delhi và là tác giả của nghiên cứu nói trên về cái chết tại nơi làm việc ở Ấn Độ, mô tả mô hình trốn tránh trách nhiệm lặp đi lặp lại mỗi khi xảy ra tai nạn. “Khi một tai nạn nghiêm trọng xảy ra, người chủ công trường trốn tội bằng cách trả một khoản bồi thường nhỏ cho các gia đình nạn nhân, và câu kết với cảnh sát và thanh tra lao động để làm mọi việc biến mất.” Tất cả các nguồn tin đều đồng ý rằng tình trạng phổ biến ở Ấn Độ là các công ty không đầu tư cho an toàn lao động, thay vào đó, họ trả chi phí bồi thường cho các vụ tai nạn, sẽ rẻ hơn nhiều so với việc đầu tư hiện đại hóa các cơ sở.

Công nhân ngành xây dựng ít được đào tạo bởi với công việc này, người chủ dễ thay thế công nhân. “Công nhân chọn việc này giống như một phương sách cuối cùng vì điều kiện làm việc trong ngành này rất khắc nghiệt. Nhà thầu không đào tạo đầy đủ vì biết rằng họ chỉ sử dụng công nhân làm việc ở đó tạm thời, vì vậy họ không quan tâm đến việc đầu tư vào đào tạo an toàn cho công nhân”, Giáo sư Jha giải thích. Một báo cáo khác của Viện Phát triển Con người Delhi cho biết gần 30% công nhân học xong giáo dục trung học và chỉ một phần mười được đào tạo chuyên ngành cho công việc của họ.

Thị trường lao động Ấn Độ - một quốc gia có 1,3 tỷ người - chủ yếu hoạt động trong khu vực phi chính thức và đầy rẫy những điều kiện việc làm bấp bênh nhất. Mặc dù luật lao động quy định ký hợp đồng lao động, nhưng trong thực tế, người lao động vẫn phải làm theo hợp đồng miệng hàng ngày, công việc rủi ro không có biện pháp bảo vệ tối thiểu, cơ sở hạ tầng đổ nát và công cụ lạc hậu, thanh toán hàng ngày, tiền lương thấp hoặc không được trả,.... Đây là kết quả của một mạng lưới các nhà thầu trốn tránh trách nhiệm - nói tóm lại – một môi trường làm việc đặc trưng bởi sự bất ổn, không an toàn và không chắc chắn.

“Chúng ta cần quản trị lao động chặt hơn, nghĩa là nâng cao nhận thức về an toàn lao động, đào tạo về máy móc an toàn cho nhân viên, kiểm tra nhiều hơn và nhiều nhân sự hơn cho việc kiểm tra an toàn tại nơi làm việc”, theo ông Kaiwar từ Công đoàn Công nghiệp toàn cầu. Dữ liệu chính thức từ Hội đồng An toàn Anh, một tổ chức chuyên về an toàn lao động tại nơi làm việc, cho biết tại Ấn Độ, cứ 500 nhà máy mới có một thanh tra lao động.

Công nhân phải đối mặt với điều kiện bấp bênh phổ biến đến mức hầu hết họ chọn cách ưu tiên việc làm, bất chấp nguy cơ mất an toàn. “Nếu máy móc, thiết bị không hoạt động tốt, công nhân có thể thông báo với tổng giám đốc, nhưng tổng giám đốc là người quyết định xem có sửa chữa hay không và công nhân có tiếp tục làm hay không. Công nhân quyết định không làm do điều kiện không an toàn có thể bị sa thải, vì vậy họ thường chọn cách giữ im lặng; họ cần công việc và tiền lương,” ông Kaiwar giải thích.

Làm việc theo chế độ đẳng cấp

Mặc dù hiện nay ở Ấn Độ quy định nghề nghiệp không phân biệt đẳng cấp, nhưng hệ thống phân thứ bậc lao động trước đây dựa trên chế độ đẳng cấp vẫn đóng vai trò quan trọng trong phân công lao động ỏ Ấn ĐỘ. Những người thuộc một đẳng cấp thường tiếp nối công việc mà truyền thống dành cho đẳng cấp đó. Mặc dù chế độ đẳng cấp nghề nghiệp chính thức bị cấm, những thực tiễn này vẫn còn phổ biến.

“Nhìn vào hệ thống phân cấp lao động nghĩa là nhìn vào hệ thống phân cấp đẳng cấp. Không thể tìm thấy bất kỳ người Ấn giáo thuộc tầng lớp thượng lưu nào làm công việc lao động chân tay, và những công việc có rủi ro cao thường dành cho những người đẳng cấp thấp hơn,” theo ông Gautam Mody, Tổng thư ký của tổ chức Sáng kiến công đoàn mới. Trung bình mỗi ngày có ba công nhân chết trong các nhà máy của Ấn Độ. Trung bình mỗi tuần một người dọn dẹp cống rãnh và máng xối chết. Không ai trong số họ thuộc đẳng cấp cao.

Theo các chuyên gia, những người lao động ở đáy của hệ thống phân cấp lao động phải chấp nhận bị lạm dụng lao động và điều kiện làm việc nguy hiểm, thường không nhìn thấy những rủi ro mà họ gặp phải hàng ngày. Trong một môi trường mà người lao động có thể mất việc bất cứ lúc nào nếu nói ra những nguy hiểm họ phát hiện thấy trong công việc, vì vậy, hầu hết họ đều giữ im lặng để tồn tại.

Công nhân có thể hợp lại và thành lập công đoàn. Đó là quyền được pháp luật công nhận, nhưng đó lại là một trong những quyền bị vi phạm nhiều nhất. Kavita Krishnan, người đứng đầu Đảng Cộng sản Ấn Độ (PCI-ML) cho biết, hình phạt đối với những liên quan tới thành lập công đoàn là bị sa thải vì lý do này hay lý do khác, điều này rất phổ biến.

Ở một đất nước có lực lượng lao động khoảng 400 đến 527 triệu người, và phổ biến là hợp đồng lao động miệng, thì sa thải rất dễ dàng. “Tại sao sa thải lại dễ dàng? Bởi vì có rất nhiều người tìm kiếm việc làm, vì vậy bất kỳ người nào cũng có thể dễ dàng được thay thế bởi mười người khác, thậm chí còn rẻ hơn, đến từ khắp nơi trên đất nước và đang tìm kiếm bất kỳ công việc nào,” ông Mody cho biết.

Dù sao, biểu tình lao động cũng rất phổ biến ở Ấn Độ. Các giáo viên ở bang Punjab và Tamil Nadu gần đây xuống đường yêu cầu tăng lương. Ở bang Rajasthan, một chiến dịch được tổ chức vận động chống sử dung lao động trẻ em trong ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ cho khách du lịch - một ngành công nghiệp có tới 250.000 trẻ em dưới 14 tuổi làm việc. Lần đầu tiên, các nhà sản xuất thiết bị quốc phòng (khoảng 400.000) tham gia phản đối tư nhân hóa ngành này.

Đầu năm 2019, một cuộc tổng đình công lớn diễn ra tại Ấn Độ phản đối chính sách của đảng cầm quyền BJP về tư nhân hóa khu vực công, dẫn tới thất nghiệp, mất bảo đảm công việc và phản đối kế hoạch của chính phủ khuyến khích đầu tư của các công ty đa quốc gia và không bảo vệ người lao động Ấn Độ, yêu cầu mức lương tối thiểu là 18.000 rupee (khoảng 253USD/tháng), đảm bảo mức lương hưu thỏa đáng, an sinh xã hội thực sự và tuân thủ luật lao động. Khoảng 200 triệu người tham gia cuộc biểu tình do mười công đoàn cấp quốc gia lớn nhất phối hợp tổ chức, bất chấp họ phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu khi chính phủ hiện tại đang tìm cách ngăn cản quyền này. Đây là cuộc tổng đình công thứ ba mà Modi phải đối mặt kể từ khi nhậm chức.

Phạm Thu Lan

Nguồn: Tổng Công đoàn Quốc tế (ITUC)

 

In
Về đầu
Lượt truy cập: