
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải phát biểu tại Đại hội Công đoàn tỉnh Nam Định sáng ngày 11.10. Ảnh: Lương Hà
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải ghi nhận những kết quả mà các cấp Công đoàn tỉnh Nam Định đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Trong đó, điểm nổi bật của Công đoàn tỉnh Nam Định trong nhiệm kỳ XVII là đối thoại xã hội được thực hiện tốt cấp cơ sở và tổ chức nhiều cuộc đối thoại cấp tỉnh với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo cao nhất, vừa phát huy quyền làm chủ của người lao động, vừa góp phần trực tiếp vào xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải, tổ chức công đoàn đang trong thời kỳ phát triển mới, có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn thách thức.
Báo cáo của Ban Chấp hành khóa XVII trình Đại hội XVIII đã đúc kết các hoạt động, bài học kinh nghiệm then chốt; nghiêm khắc chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm lớn của giai đoạn 2018 - 2023; nhận diện đầy đủ, xác định nhiệm vụ, giải pháp toàn diện trong 5 năm tới, vừa có tính kế thừa các hoạt động thiết thực, vừa tập trung những hoạt động mới rất cơ bản. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá cao sự dày công chuẩn bị của cán bộ, đoàn viên công đoàn nói trên.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải tặng hoa Đại hội Công đoàn tỉnh Nam Định. Ảnh: Lương Hà
Với ý nghĩa là đại hội đầu tiên sau khi Bộ Chính trị hoạch định chiến lược phát triển công đoàn Việt Nam đến năm 2045, ông Trần Thanh Hải gợi mở tới đại hội Công đoàn tỉnh Nam Định các vấn đề sau:
Thứ nhất, các cấp Công đoàn tỉnh Nam Định cần nhận thức sâu sắc, thường xuyên, toàn diện; hành động trách nhiệm, chủ động, hiệu quả các vấn đề sống còn của tổ chức công đoàn.
"Trước đây, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là vấn đề sống còn của tổ chức công đoàn. Hiện nay, cần bổ sung thêm yêu cầu giữ vững vai trò đại diện chi phối cho người lao động, với phương châm có người lao động thì có tổ chức công đoàn; có tổ chức công đoàn thì tổ chức công đoàn phải đảm nhận và đảm nhận tốt vai trò đại diện cho người lao động" - ông Hải nói.
Thứ hai, các cấp Công đoàn tỉnh Nam Định cần quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên, người lao động. Thành quả hoạt động cơ bản nhất của công đoàn cơ sở là chính sách của người sử dụng lao động, của thủ trưởng cơ quan, đơn vị dành cho người lao động. Các chính sách này phải tốt hơn quy định pháp luật, vừa phản ánh hiệu quả lao động, vừa là sự đầu tư vào nhân lực với vai trò như là sự đầu tư cho phát triển.

Các đại biểu tham dự đại hội. Ảnh: Lương Hà
"Để người lao động tỉnh Nam Định có được cuộc sống hạnh phúc hơn, LĐLĐ tỉnh cần tổ chức nghiên cứu thấu đáo các nhu cầu chính đáng, bức thiết của số đông người lao động để đề xuất tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Đồng thời, thực hiện nhuần nhuyễn, đồng bộ các giải pháp này là tư duy mới về hoạt động công đoàn, chuyển từ các hoạt động đơn lẻ sang các hoạt động vì mục tiêu lớn. Từ đó kiên trì thực hiện, tạo ra kết quả tổng hợp từ từng hoạt động quan trọng được gắn kết chặt chẽ với nhau, hy vọng sẽ làm thay đổi vị thế, tạo nên hình ảnh mới của tổ chức công đoàn tỉnh Nam Định" - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải gợi mở.
Thứ ba, xây dựng đội hình công đoàn mới, cán bộ công đoàn đi trước, tập thể đoàn viên công đoàn đi cùng và thống nhất hành động công đoàn, trở thành bản sắc văn hóa đồng hành của tổ chức công đoàn.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho rằng các cấp Công đoàn tỉnh Nam Định cần chọn lựa tốt đội ngũ cán bộ để gánh vác trọng trách trong thời kỳ mới. Nhiệm vụ rất quan trọng của đại hội là bầu chọn Ban Chấp hành mới và đoàn đại biểu tham dự Đại hội XIII công đoàn Việt Nam; bầu chọn đoàn đại biểu có đủ năng lực tham gia quyết định nhiệm vụ hệ trọng của tổ chức công đoàn trong chặng đường 5 năm tới...