Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của lao động nữ
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm 1989 đến nay đã 34 năm. Việc phát động phong trào nhằm tạo môi trường để nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phát huy tài năng, sức sáng tạo của mình trong gia đình, xã hội và được tôn vinh, biểu dương, lan tỏa. Xung quanh nội dung của phong trào trên, đồng chí Thái Thu Xương - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trả lời phỏng vấn Cổng thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Thái Thu Xương phát biểu tại hội trường họp Quốc hội. Ảnh: Hồ Long
(?) Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và duy trì từ nhiều năm qua. Xin Bà có thể giới thiệu đôi nét về phong trào này?
- Đồng chí Thái Thu Xương: Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm 1989 đến nay đã 34 năm. Việc phát động phong trào nhằm tạo môi trường để nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phát huy tài năng, sức sáng tạo của mình trong gia đình, xã hội và được tôn vinh, biểu dương, lan tỏa. Phong trào được các cấp công đoàn phát động, cụ thể hóa thành các phong trào như: “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong ngành giáo dục, “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” trong ngành ngân hàng, Phụ nữ “Năng động - Sáng tạo - Đảm đang - Duyên dáng” trong lĩnh vực hàng không, “Mẹ lao động giỏi, con học giỏi” trong ngành Than khoáng sản... và được nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng.
Hiện nay, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và chia sẻ trách nhiệm gia đình đã góp phần thay đổi nhận thức của phần lớn nam, nữ trong xã hội về bình đẳng giới thực chất và chia sẻ trách nhiệm gia đình. Đảng, Nhà nước ta cũng đã ban hành văn bản thúc đẩy bình đẳng giới nhằm đảm bảo hài hòa giữa công việc gia đình, xã hội và thực hiện thiên chức của người phụ nữ. Điều này được quy định xuyên suốt trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội và các văn bản dưới luật khác.
Ngoài ra, cùng với thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại trong gia đình cũng giải phóng sức lao động của các thành viên trong gia đình. Đây là những điều kiện thuận lợi để người phụ nữ có thể “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
(?) Theo Bà, nên nhìn nhận về “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” như thế nào cho đúng?
- Đồng chí Thái Thu Xương: Theo từ điển Tiếng Việt, “Giỏi” để chỉ người có trình độ cao, đáng được khâm phục hoặc khen ngợi. “Giỏi việc nước” không nên hiểu là vấn đề quá lớn mà “việc nước” cần được cụ thể trong lĩnh vực việc làm của người phụ nữ như: chấp hành đúng luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực học tập để nâng cao trình độ mọi mặt, có những sáng kiến, sáng tạo và hoàn thành xuất sắc công việc được giao.
“Đảm” là khái niệm để chỉ phẩm chất của phụ nữ giỏi công việc gia đình. Đảm việc nhà là việc người phụ nữ sắp xếp công việc khoa học để thực hiện tốt cả công việc gia đình và xã hội. Người phụ nữ đảm việc nhà trước hết là người biết quán xuyến, tổ chức tốt công việc gia đình. Chia sẻ, phân công công việc phù hợp cho các thành viên; cùng nhau nuôi dạy con ngoan, học giỏi, trưởng thành; chủ động xây dựng mối quan hệ yêu thương, gắn bó, tôn trọng, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình chứ không phải tất cả việc nhà đều do phụ nữ làm.
Khi chúng ta được biết đến tấm gương những người phụ nữ luôn nỗ lực để hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn và có mái ấm gia đình hạnh phúc chắc chắn trong mỗi chúng ta đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ và mong muốn mình cũng là người phụ nữ như vậy. “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” chính là mong muốn, là nhu cầu tự thân của người phụ nữ khẳng định năng lực, bản lĩnh của phụ nữ trên hai phương diện “gia đình” và “xã hội”.
(?) Theo Bà, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đối với phụ nữ có đặt gánh nặng lên nữ giới và làm sâu sắc hơn bất bình đẳng giới giữa nam và nữ hay không?
- Đồng chí Thái Thu Xương: Tôi cho rằng điều đó khó xảy ra khi chúng ta nhìn nhận “đảm việc nhà” ở góc độ bình đẳng giới. Chúng ta thử hình dung một người phụ nữ trong xã hội hiện đại như hiện nay, nếu các chị chỉ “đảm việc nhà”, quán xuyến các công việc gia đình, không tham gia thị trường lao động và các công việc xã hội thì tiếng nói của họ trong gia đình và xã hội liệu có ngang bằng với nam giới hay không? Hoặc ngược lại, người phụ nữ “giỏi việc nước”, giỏi các công việc ngoài xã hội mà bỏ bê, không quan tâm đến gia đình thì liệu gia đình có hạnh phúc hay không?
Người phụ nữ đảm việc nhà không có nghĩa là ôm đồm mọi việc trong gia đình mà phải biết cân đối thời gian giữa gia đình và xã hội, biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, học tập, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Đó chính là sự khác biệt cần nhìn nhận một cách thấu đáo.
(?) Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động khá cao, tuy nhiên, tỷ lệ lãnh đạo nữ vẫn còn vô cùng khiêm tốn. Xin Bà cho biết đâu là những rào cản đối với lao động nữ trong thị trường lao động hiện nay?
- Đồng chí Thái Thu Xương: Hiện nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện và nâng cao điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần, bình đẳng giới, vị thế của lao động nữ tại nơi làm việc. Những chính sách này nhằm hướng tới bảo đảm sự phát triển toàn diện, bền vững, phát huy năng lực của lao động nữ, tỷ lệ nữ tham gia vị trí lãnh đạo quản lý những năm gần đây đã tăng dần.
Tuy nhiên, công tác cán bộ nữ, dù có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước, nhưng nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn. Tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Định kiến giới vẫn là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng về giới, công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất. Tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ, còn sự khác biệt về tiếp cận giáo dục và đào tạo nói chung giữa nam và nữ, mặt khác còn nhiều phụ nữ chưa thực sự tự tin, phấn đấu, chủ động học tập nâng cao trình độ để có thể đảm nhận vị trí quản lý trong cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, ở Việt Nam tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận và làm công việc ổn định thấp hơn nam giới, lao động nữ làm việc trong khu vực phi chính thức, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, năng suất thấp với điều kiện lao động kém, thu nhập không ổn định chiếm tỷ lệ cao. Điều này dẫn đến thu nhập của lao động nữ thấp hơn lao động nam. Hệ thống chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư đến các khu công nghiệp, khu đô thị còn thiếu. Một số quy định còn hạn chế khả năng tiếp cận của người di cư, trong đó có lao động nữ di cư đối với các dịch vụ xã hội cơ bản tại các đô thị. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là quấy rối tình dục tại nơi làm việc vẫn diễn ra... trong bối cảnh tác động đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ số sẽ có không ít khó khăn cho lao động nữ trong thị trường lao động.
(?) Xin Bà chia sẻ những đề xuất, khuyến nghị nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong thế giới việc làm tại Việt Nam?
- Đồng chí Thái Thu Xương: Để thu hẹp khoảng cách giới trong thế giới việc làm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố như: trình độ năng lực của lao động nữ phải ngày càng được nâng cao để đáp ứng yêu cầu công việc ngày một đa dạng trong thế giới việc làm; nhận thức của người đứng đầu về tuyển dụng và sử dụng lao động nữ; vấn đề thực hiện nghiêm pháp luật về bình đẳng giới và lao động việc làm đối với lao động nữ.
Vì vậy, trong thời gian tới các cấp công đoàn cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu về vai trò của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị và tổ chức công đoàn; nâng cao năng lực của cán bộ nữ thông qua đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đề bạt và thực hiện một cách quyết liệt, có lộ trình; thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình, chia sẻ trách nhiệm gia đình; giám sát việc thực hiện chính sách lao động nữ và kiến nghị xử phạt nghiêm minh những hành vi bất bình đẳng giới theo quy định của pháp luật.
Bùi Phương Chi - Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn