Trang chủNghiên cứu trao đổi
Nghiên cứu trao đổi
Cập nhật lúc 01:57 23/06/2023 (GMT+7)
Tọa đàm: Góp ý báo cáo nghiên cứu về điều kiện lao động ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Năng lượng tái tạo đang được xem là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng trên thế giới trong tương lai. Khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc các quốc gia trên thế giới phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sạch và bền vững.

Quang cảnh Tọa đàm diễn ra ngày 20/6 vừa qua. 

Ở Việt Nam, các nghiên cứu gần đây cho thấy với lợi thế đường biển dài theo chiều dọc đất nước, nên Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng gió, tổng tiềm năng ước đạt 513.360 MW. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý nằm ở khu vực cận xích đạo nên Việt Nam có nhiều tiềm năng tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời, với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày, theo hướng tăng dần về phía Nam. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến hết năm 2022, tổng công suất của nguồn năng lượng tái tạo là 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 26,4% tổng công suất toàn hệ thống điện Việt Nam (77.800 MW). Sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 34,757 tỷ KWh, chiếm 12,95% sản lượng điện năm 2022 (268,442 tỷ KWh), tăng gần 7 lần so với năm 2019. Có thể thấy tiềm năng của ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn và tốc độ phát triển của ngành cũng rất nhanh, tuy nhiên, vì là một lĩnh vực mới phát triển trong thời gian gần đây nên các báo cáo liên quan mới chỉ tập trung đánh giá các tác động, lợi ích về mặt kinh tế, môi trường mà chưa quan tâm đánh giá tác động đến vấn đề lao động việc làm.

Trong bối cảnh đó, được sự đồng ý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và sự hỗ trợ của Tổ chức Nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển Hải ngoại - Apheda (Văn phòng tại Việt Nam), Viện CNCĐ tổ chức nghiên cứu về điều kiện lao động trong ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Trong khuôn khổ dự án, ngày 20/6/2023, Viện Công nhân và Công đoàn tổ chức Tọa đàm góp ý hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu. Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các Ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên đoàn Lao động các tỉnh Phú Yên, Bắc Giang, Công đoàn ngành Điện lực, ngành Dầu khí Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công đoàn, Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động, Viện Nghiên chiến lược, chính sách Bộ Công thương, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo,… Ngoài ra còn có sự tham dự của các đại biểu đến từ các công ty điện gió, công ty điện mặt trời tham gia khảo sát.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, trình bày, phân tích đánh giá kết quả nghiên cứu do nhóm nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến điều kiện lao động trong ngành năng lượng tái tạo; những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện trong dự thảo báo cáo; những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Dự thảo báo cáo nghiên cứu đã đưa ra bức tranh về điều kiện lao động trong các nhà máy năng lượng tái tạo như tiền lương, thời gian làm việc, hoạt động công đoàn, vấn đề an toàn vệ sinh lao động, …. Đồng thời báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra những điển hành về thực hành tốt như có công ty đóng BHXH cho người lao động trên mức lương thực nhận; có nhà máy tích cực tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng nơi nhà máy đứng chân; chính sách đào tạo nội bộ của doanh nghiệp đóng góp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia; ….. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra các vấn đề cần quan tâm khi xem xét vấn đề điều kiện lao động trong các nhà máy năng lượng tái tạo như vấn đề lao động phi chính thức trong ngành năng lượng tái tạo; sử dụng lao động thuê lại; thuê ngoài và trả lương theo ngày cho những công việc có tính chất dài hạn; ….

Đây là những kết quả ban đầu của nghiên cứu về điều kiện lao động ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Kết thúc tạo đàm, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của đại biểu và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu sớm nhất để trình lãnh đạo Viện Công nhân và Công đoàn thông qua trước khi báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ths. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Công nhân và Công đoàn

In
Về đầu
Lượt truy cập: