Tại buổi làm việc, bà Hoàng Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Hà Nội - đã mời cán bộ của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động - Công đoàn Hà Nội, thuộc LĐLĐ TP.Hà Nội giải đáp thắc mắc, băn khoăn cũng như tư vấn ban đầu về thủ tục pháp lý liên quan đến vấn đề khởi kiện lãnh đạo Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam vì nợ lương, nợ BHXH… của người lao động.
Nhận được sự động viên, chia sẻ, những hành động thiết thực từ các cấp Công đoàn Hà Nội, bà Lê Thị Hiền - Chủ tịch Công đoàn Nhà máy dệt thuộc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam và các đồng nghiệp rất xúc động và gửi lời cảm ơn Công đoàn các cấp đã luôn sát sao cùng người lao động. Qua buổi làm việc, người lao động đều đã nắm bắt được những thông tin cần thiết, từ đó, có các bước chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầy đủ để khởi kiện lãnh đạo Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam.
Bà Lê Thị Hiền cho biết thêm, chi nhánh Hà Nam đã tiến hành trả lương tháng 2.2022 cho một số nhân viên khối văn phòng. Còn những người lao động tại Nhà máy dệt, Nhà máy sợi vẫn chưa được trả lương tháng 9-10-11.2022 cũng như chưa được đóng BHXH nhiều năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động - Công đoàn Hà Nội (LĐLĐ TP.Hà Nội) - cho biết, trước khó khăn của người lao động, Trung tâm sẽ hỗ trợ người lao động về hồ sơ khởi kiện và khi có quyết định bản án, trung tâm tiếp tục hỗ trợ việc thi hành án. Tuy nhiên, việc thi hành án có suôn sẻ hay không thì vẫn phải phụ thuộc nhiều về phía công ty.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chậm đóng tiền BHXH là một trong những hành vi bị cấm. Đây là quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật BHXH năm 2014. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014 cũng quy định về việc xử lý vi phạm đối với hành vi: Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Theo quy định trên, đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên, doanh nghiệp không chỉ bị xử lý vi phạm mà còn phải nộp thêm số tiền lãi cho cơ quan BHXH. Đồng thời, sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của Bộ luật Hình sự.
Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ nếu là cá nhân phạm tội thì bị phạt tiền thấp nhất 50 triệu đồng và cao nhất là 1 tỉ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm; nếu là pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng.
Đến hết tháng 1.2023, Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam chậm đóng 13,464 tỉ đồng tiền BHXH, BHYT, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Ngoài ra, công ty còn nợ lương nhiều tháng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động. |